xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Duyên nợ với nông dân

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Những máy móc, dụng cụ mà ông Phạm Hoàng Thắng chế tạo không chỉ giúp cho nhiều nông dân bớt cơ cực mà còn cho năng suất lúa cao hơn…

Nhà tôi mấy đời là nông dân. Đến mùa vụ, tôi đã quen với hình ảnh người nông dân bưng thúng lúa giống, dùng tay bốc từng nắm vãi xuống cánh đồng mênh mông. Xa quê lên TP sinh sống đã lâu, mỗi lần về thăm nhà, tôi vẫn thấy những hình ảnh ấy. Thế mà những lần về gần đây, tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người sử dụng dụng cụ gieo hạt thay cho việc sạ lúa bằng tay như trước  đây. Với dụng cụ này, chỉ cần cho lúa vào các khe và điều chỉnh các hộc để lúa giống rơi ra, rất thẳng hàng, cây lúa mọc lên đều đặn, không quá dày cũng không quá thưa…

Trăn trở với quê nghèo

Ông Hồ Văn Tư, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết người sáng chế ra dụng cụ này là ông  Phạm Hoàng Thắng, chủ doanh nghiệp nhựa Hoàng Thắng, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ. Với dụng cụ gieo hạt, mỗi công đất giảm được từ 10 đến 15 kg lúa giống; lại tiết kiệm công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu…

img

Ông Phạm Hoàng Thắng với những huy chương cho sản phẩm phục vụ bà con nông dân

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, tuổi thơ của ông Thắng đã gắn với những ngày hè cùng cha mẹ sạ lúa, làm cỏ. Chính vì vậy mà ông thấu hiểu nỗi cơ cực của người nông dân. Thế nhưng, cuộc sống đưa đẩy, ông trôi dạt lên TPHCM học nghề làm nhựa. Rồi ông mở cơ sở Hoàng Thắng tại quận Tân Bình-TPHCM, chuyên sản xuất xe nhựa cho trẻ em.

Ông kể về cơ duyên đã đưa mình đến với ý tưởng chế tạo dụng cụ gieo hạt là vào năm 1999. “Năm đó, tôi về thăm gia đình. Thấy lúa giống ba má đã ngâm ủ xong mà ông anh ăn đám giỗ về say rượu không sạ được. Thuê nhân công cũng không có, tôi lại không quen với công việc này. Thấy ba má tôi hết trông đứng lại trông ngồi, tôi chợt nghĩ sao mình không sáng chế ra dụng cụ gieo hạt, vừa giúp nhà mình vừa giúp bà con nông dân đỡ tốn công sức, tiền của?”.

Quyết là làm

Trở về TPHCM, ông bắt tay nghiên cứu, chế tạo dụng cụ gieo hạt. Thấy làm dụng cụ bằng sắt thì rất nặng và dễ gỉ sét, ông nghĩ đến việc sử dụng nhựa vừa bền nhẹ, mà cũng là sở trường của mình. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản. Ông phải nghiên cứu mẫu mã, nguyên lý vận hành, chế tạo khuôn mẫu...

“Đầu tiên, để có được khuôn mẫu, tôi phải mua những chiếc thùng phuy về tự gò lại. Ngày nào tôi cũng phải ngồi cùng thợ hàn từ sáng đến chiều để giúp họ thể hiện hết ý tưởng”. Có được khuôn mẫu rồi, ông tiến hành chế tạo, lắp ráp dụng cụ. Hơn 6 tháng sau, thiết bị gieo hạt đầu tiên ra đời, ông đưa ngay về quê thử nghiệm.

“Không ngờ, khi đưa dụng cụ xuống ruộng, hạt không rơi ra, tôi lại phải chở máy về TPHCM chỉnh sửa”- ông nhớ lại. Mất hơn 4 lần chỉnh sửa, hoàn thiện, ông lại chở máy về quê để trình diễn cho bà con xem. “Lần này thì thành công. Bà con khoái quá, đặt luôn 500 cái. Tôi không biết làm sao đáp ứng nổi nhưng không dám từ chối vì sợ phụ lòng bà con”- ông vui vẻ kể.

“Qua mặt” cả máy nhập ngoại

Từ thành công với dụng cụ gieo hạt, ông lại tiếp tục nghiên cứu chế tạo dụng cụ phun xịt thuốc trừ sâu. Đó là năm 2003, khi ông quyết định dời cơ sở về quê và đọc báo thấy tại miền Tây có 100 người ngộ độc do phun thuốc trừ sâu. “Tôi nghĩ không nên để tình trạng này tái diễn với nông dân nữa nên bắt tay vào nghiên cứu dụng cụ phun xịt thuốc trừ sâu”. Vận dụng nguyên tắc người phun thuốc phải đi trước dụng cụ thì thuốc trừ sâu mới không ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Sau nhiều lần thử nghiệm, dụng cụ phun xịt thuốc của ông ra đời với đặc tính rất an toàn cho người sử dụng, phun đều trên từng gốc lúa, không chỉ diệt sâu bọ mà còn cả rầy nâu.

Đặc biệt, trong năm 2010, ông còn trình làng máy liên hợp gặt đập. Với sản phẩm này, ông đã giành giải nhất khi vượt qua 15 máy liên hợp gặt đập, trong đó có 5 máy từ nước ngoài nhập về tại hội thi “Máy gặt đập lúa liên hợp” do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia tổ chức tại Sóc Trăng.

Đến nay, những sản phẩm của ông đã được nông dân cả nước tin dùng. Sản phẩm còn được xuất sang Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc… Ông cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ chế tạo máy sấy di động. Với máy này sẽ giúp người nông dân bảo quản lúa tốt hơn trong thời gian không có nắng cũng như bảo đảm chất lượng gạo trong quá trình xuất khẩu”.

Ông Lê Văn Tín, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ:

Góp phần cơ giới hóa đồng ruộng

Những máy móc, dụng cụ mà anh Thắng chế tạo không chỉ giúp cho nhiều nông dân bớt cơ cực mà còn cho năng suất lúa cao hơn. Đây cũng là cách góp phần cơ giới hóa đồng ruộng, giúp nông dân định hướng sản xuất tập trung theo quy mô lớn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo