Hôm trước Chuột con đã nói như dội nước sôi vào mặt tôi: “Không đuổi thì tôi cũng tự nghỉ. Công ty cần tôi chớ tôi không cần công ty. Thử coi, tôi mà nghỉ việc ở đây, thiên hạ sẽ trải thảm đỏ mời tôi về. Anh là cái thá gì mà dám lên mặt răn dạy?”.
Đến nước này thì làm sao tôi im lặng? Hàng chục cặp mắt trong phòng đang đổ dồn về tôi xem tôi xử lý thế nào. Ai cũng biết tôi cưng chìu Chuột con nhưng mọi người mặc nhiên chấp nhận bởi so với nhiều người, đó là một nhân viên giỏi. Nhưng thói đời, ngựa hay là ngựa chứng. Tôi đã cố gắng chịu đựng, anh em trong phòng cũng cắn răng nhường nhịn, thế nhưng dường như Chuột con không nhận ra điều đó.
Mấy tháng trước phòng tổ chức đã nhắc nhở về việc tôi để cho lính đi nước ngoài chơi mà không báo cáo, trong khi chính tôi cũng không biết lính mình đi đâu khi điện thoại cô nàng ngoài vùng phủ sóng. Những lúc đó, cái tiếng ò í e làm tôi nổi điên. Thế nhưng khi Chuột con trở về, tôi phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì có một dự án mà cô nàng phụ trách đang làm dở dang…
Mà nào chỉ có chuyện đó! Lâu lâu lại thấy Chuột con biến mất, vài hôm sau xuất hiện với thông báo “Em vừa đi Đà Lạt… em mới ở Nha Trang… em theo đứa bạn xuống Cà Mau… để lấy hứng viết nội dung cho chương trình sắp tới”. Công ty chúng tôi chuyên về truyền thông, tổ chức sự kiện nên giờ giấc cũng không gò bó; thế nhưng nhân viên đi đâu, làm gì thì lãnh đạo phải biết; đằng này, Chuột con cứ nghĩ mình là ngoại lệ, muốn làm gì thì làm, làm trước báo cáo sau…
Chuột con vào công ty từ khi còn là sinh viên thực tập. Thấy cô làm được việc nên chúng tôi giữ lại. Như cái cây non được chăm sóc, vun trồng, tưới tắm đúng mức, Chuột con ngày càng biểu lộ khả năng làm việc nổi trội. Cũng từ đó, tôi có thói quen dựa vào cô khi thực hiện những công việc quan trọng. Lúc đầu Chuột con còn khiêm tốn dễ thương, biết trên biết dưới, nhưng chưa đầy 3 năm sau thì đã “mọc nanh, mọc vuốt”, “tự cho mình là giỏi nhất” như lời các nhân viên khác thường nói sau lưng cô. Tôi biết hết nhưng tặc lưỡi bỏ qua bởi người có tài thường có tật, âu đó cũng là chuyện bình thường.
Thế nhưng đến chuyện xảy ra mới đây thì tôi hết chịu nổi. Tôi mới vừa hỏi “em đi đâu mấy ngày qua sao không báo cáo? Sống trong tổ chức thì phải biết chấp hành nội quy kỷ luật. Hợp đồng của em sắp hết hạn phải ký lại, em phải cẩn thận chớ…” thì cô nàng đã sổ luôn một tràng như thể người đáng bị cật vấn, la mắng là tôi!
Lúc ấy có mặt rất nhiều người, tôi thấy trong lòng sượng sùng quá đỗi. Dù sao thì tôi cũng là một anh trưởng phòng, tôi có cái uy của mình, làm sao chấp nhận để lính “leo lên đầu, lên cổ” như vậy? Mà thói thường, người này leo được thì người khác cũng sẽ leo, không chừng tới một lúc nào đó tôi lại thành kẻ bị đè đầu cỡi cổ!
Nghĩ đến đó thì tôi thấy máu mình sôi lên. Sức chịu đựng của tôi đã đến giới hạn cuối cùng. Đúng là tôi có lỗi vì đã quá cưng chìu Chuột con nhưng đó đâu phải là lý do để nhân viên của tôi tác oai, tác oái? Tôi đã nghiệm ra rằng, bất kỳ một người sếp nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều muốn tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau; nhưng quản lý, điều hành công việc mà chỉ thiên về tình cảm thì sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến cảnh hỗn quan, hỗn quân; không còn tôn ti trật tự gì nữa.
Thôi thì thà đau một lần để rút kinh nghiệm cho những lần sau, còn hơn là cứ để nỗi đau dai dẳng. Được rồi, ẹo hả? Cho đi luôn thử coi ai bị thiệt thòi…
Tôi đã quyết như vậy rồi thế nhưng khi thấy Chuột con nước mắt ngắn dài xin lỗi, tôi lại mềm lòng. Giữa lúc công ăn việc làm khó khăn như thế này, liệu việc tôi đẩy một nhân viên ra đường có… ác lắm không?
Bình luận (0)