Cùng ngày, LĐLĐ quận 10 đã gắn biển 2 công trình: “Trường Mẫu giáo Măng non II” và “Câu lạc bộ Hưu trí, người có công”. Công trình Trường Mẫu giáo măng non II có tổng diện tích xây dựng hơn 1.530 m2 với vốn đầu tư là 3,87 tỉ đồng. Các đơn vị thi công đã hoàn thành trước thời hạn 15 ngày, tiết kiệm gần 180 triệu đồng. Công trình Câu lạc bộ Hưu trí, người có công có tổng vốn đầu tư 2,12 tỉ đồng đã được hoàn thành đúng thời hạn, tiết kiệm hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, LĐLĐ quận 5 đã gắn biển cho 3 công trình: “Nghiên cứu chế tạo sản phẩm” của Công ty Cholimex - TPHCM, “Mô hình kho lạnh” của Trường Kỹ thuật Công nghiệp Hùng Vương - TPHCM và “Xây dựng nhà máy” của Công ty Sản xuất vỏ ruột xe Công Nông (KCN Hiệp Thành, quận 12). Ở công trình chế tạo sản phẩm, tập thể cán bộ kỹ thuật, công nhân Công ty Cholimex đã nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm hương biển, cơm hải sản, bông bí nhồi được thị trường đánh giá cao. Còn mô hình kho lạnh do tập thể giáo viên Khoa Kỹ thuật lạnh Trường Kỹ thuật Công nghiệp Hùng Vương nghiên cứu, thiết kế chỉ tốn 77 triệu đồng thay vì nhập ngoại là 12.000 USD. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và giúp sinh viên không bỡ ngỡ khi làm việc thực tế tại các phân xưởng, xí nghiệp. Tại Công ty Sản xuất vỏ ruột xe Công Nông, các cán bộ, công nhân đã phấn đấu vượt kế hoạch và làm lợi cho đơn vị 270 triệu đồng.
Công đoàn (CĐ) ngành giáo dục TPHCM và LĐLĐ quận 8 gắn biển công trình Trường Tiểu học Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An và Trường chuyên Nguyễn Thị Định, quận 8 - TPHCM.
Công trình “Hệ thống xử lý nước thải” của CĐ Công ty Cổ phần Giấy Linh Xuân (Sở Công nghiệp TPHCM) cũng được đưa vào hoạt động, đồng thời chuẩn bị đưa vào hoạt động “Máy xeo giấy vệ sinh và khăn giấy cải tiến chất lượng cao”. Tổng trị giá đầu tư 2 công trình là 3,3 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện, tập thể kỹ sư, công nhân công ty đã phát huy sáng kiến, cải tiến làm lợi cho công ty gần 700 triệu đồng; CĐ Trung tâm Dạy nghề quận 9 cũng đăng ký gắn biển công trình xây dựng “Khối học lý thuyết”. Công trình có tổng diện tích hơn 1.800 m2, 1 trệt, 1 lầu, 7 phòng điều hành, 15 phòng học. Tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ thương mại Đay Sài Gòn cũng thực hiện công trình “Phục hồi máy cán vải đay” với kinh phí đầu tư cho công trình là 220 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, tập thể cán bộ, công nhân đã làm lợi 445 triệu đồng, hoàn thành trước thời gian 14 ngày. Công trình thứ hai - “Chế tạo 5 máy suốt đay (12 cọc)” - được cải tiến gọn, nhẹ, chất lượng tương đương máy nhập ngoại, nhưng giá thành chỉ bằng 50%, tiết kiệm cho công ty trên 300 triệu đồng.
Bình luận (0)