Theo dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 22 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện mới được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) VN công bố, các bệnh mãn tính có thời gian điều trị dài, chi phí lớn sẽ chỉ được BHYT thanh toán một phần. Cụ thể: Chạy thận nhân tạo chu kỳ không quá 12 triệu đồng/năm; điều trị tiểu đường, điều trị Basedow và điều trị Hemofili không quá 7 triệu đồng/năm. Nếu quy định được ban hành, mức “trần” đối với các dịch vụ này sẽ trở thành gánh nặng với các bệnh nhân chẳng may mắc phải các bệnh này.
Bệnh nhân kêu trời
Nằm khuất sâu trong ngõ Cột Cờ, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội là một xóm nhỏ, nơi đây tập trung gần 200 bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang... Người ta đã quen gọi nơi này là “xóm chạy thận”.
Vừa nghe về việc hạn chế số tiền BHYT, anh Đỗ Nhân Quý (quê Lạng Sơn) đã bật dậy: “Thế thì có khác gì đẩy người ta đến bước đường cùng?”. BS Nguyễn Cao Luận, Trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện có khoảng 3.000 bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo (miền Bắc khoảng 1.000 người và miền Nam khoảng 2.000 người). Tuy nhiên, trong thực tế số bệnh nhân cần chạy thận phải gấp 10 lần số này. Khoa Thận Bệnh viện Bạch Mai đang chạy thận cho khoảng 300 bệnh nhân, trong đó 114 trường hợp sử dụng thẻ BHYT tự nguyện. Trung bình, mỗi năm bệnh nhân chạy thận tốn khoảng 90 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, 77 tuổi, trú tại Văn Điển - Hà Nội, bị bệnh thận hơn chục năm và đã chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai vài năm nay. Ông tâm sự: “Trước khi chạy thận ở đây, tôi đi chữa trị ở khắp nơi, bao nhiêu tiền của tiêu tan hết. Nếu không có BHYT tự nguyện, tôi đã không được chạy thận. Bây giờ, giới hạn tiền như thế tôi chỉ còn nước chết”.
Tăng mức đóng BHYT tự nguyện
Theo ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng Ban BHYT tự nguyện (BHXH VN), sở dĩ dự thảo khống chế như vậy vì BHYT tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2006 có 9,58 triệu người tham gia BHYT tự nguyện, thu về 581 tỉ đồng, nhưng thanh toán cho gần 2 triệu người tham gia BHYT tự nguyện đi khám, chữa bệnh năm 2005, quỹ đã bội chi 900 tỉ đồng.
Để giải quyết tình trạng này, dự thảo quyết định tăng khung mức đóng BHYT tự nguyện lên theo khu vực và theo nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt đối tượng có bệnh mới mua BHYT tự nguyện, dự thảo quy định rõ: “Người tham gia BHYT tự nguyện là những người có thể trạng khỏe mạnh ở thời điểm đăng ký, nộp tiền tham gia BHYT”. Giải thích cho sự thay đổi này, ông Hoàng Kiến Thiết cho biết, thực tế cho thấy thường những người bệnh mới có nhu cầu mua BHYT tự nguyện để được chi trả. Đã có trường hợp chấp nhận mua BHYT tự nguyện tới 5 triệu đồng/thẻ, vì họ biết tiền chữa trị của họ gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần số tiền bỏ ra. Do đó thu không gánh nổi chi.
Giải bài toán bội chi, cách nào?
Trong thực tế, một số người tham gia BHYT vì thấy lợi rất nhiều về chi phí khi chỉ phải đóng vài trăm ngàn đồng để được chi cả trăm triệu đồng. Nhưng quy định của BHYT không cho phép lấy quỹ BHYT bắt buộc để cân đối cho BHYT tự nguyện. Ông Hoàng Kiến Thiết cho rằng số tiền chi phí cho một người chạy thận quá lớn. Nếu thời gian kéo dài, số tiền chạy thận cho một người có thể lên đến tiền tỉ. Vì vậy, bắt những người còn lại đóng tiền cho một số người chạy thận như vậy là bất công với họ. Những người suy thận gặp khó khăn, cần làm thủ tục với chính quyền để được hưởng chế độ dành cho người nghèo.
Nhà nước đang mua bảo hiểm cho 18 triệu người nghèo. Đó là góc độ bảo trợ xã hội. Khi đó bệnh nhân sẽ được chữa bệnh miễn phí theo đúng chính sách dành cho người nghèo. Để giải bài toán bội chi kinh phí khám, chữa bệnh của Quỹ BHYT tự nguyện, chỉ có cách là phải BHYT bắt buộc toàn dân. Khi đó sự chia sẻ rủi ro giữa người khỏe mạnh và người bệnh mới có thể bảo đảm cho sự an toàn và hiệu quả của quỹ.
Bình luận (0)