Chúng tôi đến chợ Thạch Đà, đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp-TPHCM) vào một buổi chiều khi công nhân (CN) vừa tan ca. Những chiếc áo màu xanh dương là đồng phục của CN Công ty Giày da Huê Phong tỏa ra khắp chợ. Họ tranh thủ mua thức ăn cho bữa tối.
“Săn” hàng giảm giá, một trong những cách tiết kiệm chi phí của công nhân. Ảnh: T.NGA
“Đói ăn rau...”
Theo chân một nhóm CN vào chợ, chúng tôi bị cuốn vào những hàng rau. Người bán, người mua đã quen mặt nhưng mọi người đều thích trả giá để “rẻ được đồng nào hay đồng nấy”. Dạo một vòng chợ, khi ra về, trên tay mỗi CN đều lỉnh kỉnh những túi ni lông mà trong đó chủ yếu là rau.
Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu: Đồng hành cùng công nhân
|
Tại chợ Tân Nhơn (thường gọi là chợ Trạm 2), sát bên Khu Công nghệ cao (quận 9-TPHCM), buổi chiều cũng đông nghẹt người mà chủ yếu là CN vừa tan ca, tranh thủ ghé chợ mua thức ăn cho bữa tối và sáng hôm sau. Lựa chọn hàng đầu của CN vẫn là rau; các hàng thịt, cá vắng vẻ hơn. Chị Dương Thị Ngọc Bích dắt chiếc xe đạp ra khỏi chợ, trong giỏ xe chỉ có duy nhất bó cải xanh.
Chúng tôi hỏi thăm thì được biết chị quê ở Đồng Tháp, đang là CN Khu Du lịch Suối Tiên. Mỗi tháng, tiền lương của chị được 1,5 triệu đồng nhưng phải gửi 800.000 đồng về quê phụ gia đình. “Thường ngày, tôi chỉ ăn cơm với rau và đậu hũ, hết khoảng 10.000 đồng. Một phần vì quen hà tiện như lúc ở quê, một phần vì không có tiền”- chị thật thà cho biết.
Rau vốn là thức ăn chủ yếu của CN nhưng bây giờ giá cũng tăng lên từng ngày. “Ngày nào, tôi cũng mua rau. Cứ tưởng tiết kiệm được, ai dè rau cũng tăng giá. Lúc trước, chỉ 2.000 đồng có thể mua bó rau cho 2 người ăn, bây giờ phải gấp đôi”- CN Nguyễn Thị Linh than thở.
“Choáng” vì tăng giá
“Trước đây mỗi tháng, vợ chồng tôi còn dành dụm được chút ít nhưng từ tháng 9 trở đi, khi giá cả bắt đầu tăng thì phải tính toán chi li lắm mới đủ, có tháng còn hụt tiền” – chị Phan Bé Đạo, 25 tuổi, CN Công ty Chế biến Thực phẩm bao bì Phương Đông (quận 12 - TPHCM), cho biết. Đối với chị hiện nay, nỗi lo lớn nhất là khoản tiền sữa cho con gái nhỏ 5 tháng tuổi, chiếm hết hơn 600.000 đồng mỗi tháng.
Chưa hoàn toàn hồi phục sức khỏe sau sinh nhưng chị vẫn phải cố đi làm, thậm chí còn tăng ca khá nhiều. “Không tăng ca thì lương chỉ có 1,6 triệu đồng, không đủ sống. Ngày trước, thỉnh thoảng tôi còn đi dạo siêu thị, tháng nào dư chút ít thì mua một bộ quần áo mới. Nhưng giờ có con rồi, đủ thứ lo toan, giá cả lại tăng vùn vụt nên chẳng còn dám nghĩ tới chuyện sắm sửa...” – chị Bé Đạo tâm sự.
Để chống chọi với đà tăng của giá cả, hằng ngày đi chợ, chị phải tiết kiệm tối đa. Chị kể có khi đi mấy vòng chợ mà không biết mua gì vì thứ nào cũng đắt, đành phải chọn những thứ rẻ tiền, không còn tươi ngon. Mới sinh con nhưng phải làm việc vất vả và không được ăn uống đầy đủ nên sức khỏe của chị cũng giảm sút. “Tháng này tôi phải đi bác sĩ mấy lần rồi, mình không khỏe nên thời tiết thay đổi một chút là bệnh ngay”.
Với tiền lương 1,8 triệu đồng mỗi tháng, chị Phan Thị Lan, CN Công ty Giày Gia Định (quận Thủ Đức), cũng phải “bóp bụng” mới đủ chi tiêu cho việc ăn, ở và học hành của con. “Tiền nhà vừa tăng từ 500.000 đồng lên 600.000 đồng/tháng, điện nước thì đã tăng từ lâu. Con tôi còn học mẫu giáo, tôi phải cắt giảm các khoản chi tiêu; thậm chí phải nhịn ăn, nhịn mặc mới có thể xoay xở được”. Một mình nuôi con nhỏ, người mẹ trẻ ấy phải tăng ca đều đặn để kiếm thêm chút đỉnh lo cho con.
Thắt lưng, buộc bụng
Đồng lương ít, giá hàng hóa tăng vùn vụt nên phần lớn CN đều phải tính toán kỹ lưỡng các khoản chi tiêu của mình. Đứng trước gian hàng quần áo tại chợ phiên giảm giá, chị Nguyễn Thị Hương, CN Công ty TNHH Nhị Hiệp (quận 9-TPHCM), cứ cầm lên rồi lại đặt xuống bộ quần áo có giá hơn 40.000 đồng; sau đó rảo bước qua các gian hàng khác cũng chỉ để... ngắm.
Thấy chị ra về tay không, tôi hỏi thì chị lắc đầu: “Lương CN mà, đâu có dư dả gì mà muốn mua là mua. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ”. Hai con đi học, chồng thì suốt ngày say xỉn, chị phải oằn mình làm việc từ sáng đến 20 giờ mỗi ngày. Với thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng, chị phải hết sức tiết kiệm mới có tiền đóng học phí cho con và chi tiêu trong gia đình.
Giống như chị Hương, chị Nguyễn Thị Hồng săm soi mãi bộ đồ trẻ em trên đống quần áo rồi bỏ đi. Chị buồn bã nói: “Muốn mua cho con bộ đồ mới nhưng mắc quá. Hàng đã giảm giá rồi mà sao giá vẫn còn cao”. Theo chị Trần Thị Cảnh, CN Công ty Domex (KCX Linh Trung-TPHCM), với thu nhập 1,8 triệu đồng/tháng, ngoài tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi học thêm và tiền ăn, chị không chi thêm khoản nào khác. Lâu lâu cũng muốn sắm cái áo, cái quần mới nhưng rồi lại không dám vì thêm cái này, phải bớt cái kia mà những thứ kể trên thì chẳng có thứ nào bớt được!
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!