“Cách đây một tháng, để tiết giảm chi phí sinh hoạt, tôi phải để vợ con về quê sống, còn mình thì cố bám trụ ở đây. Buồn nhất là sau gần 10 năm cày cục, để có tiền lo cho vợ con về quê, tôi phải vay mượn nhiều nơi...”. Anh Tạ Văn Sĩ, công nhân (CN) Công ty Scansia Pacific, KCN Tân Tạo - TPHCM, buồn bã khi trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng trọ ẩm thấp gần công ty.
Công nhân đắn đo chi tiêu khi đi chợ. Ảnh: Thanh Nhàn
“Mắc kẹt” giữa cơn bão giá
Từ Thái Nguyên, vợ chồng Sĩ dắt díu vào TPHCM tìm việc. Sau khi sinh đứa con đầu, hai vợ chồng quyết định gửi về quê nhờ ông bà nuôi nấng. Có thêm đứa con thứ hai, cuộc sống càng thêm khó khăn bởi vợ anh phải ở nhà chăm con; mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương khiêm tốn chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng của Sĩ. Anh bộc bạch: “Giờ thì không thể cầm cự được nữa, vợ tôi quyết định bồng con về quê, còn tôi thu xếp trả phòng trọ, tìm nhà trọ rẻ tiền hơn để giảm chi phí. Ngày chủ nhật, ai kêu gì cũng làm để kiếm thêm chút ít gửi về quê cho vợ con”.
Tình cảnh gia đình vợ chồng anh Hoàng Đình Triển, quê Nghệ An, CN một doanh nghiệp (DN) gia công cơ khí ở quận Bình Tân - TPHCM, cũng chẳng khá hơn. Vợ mới sinh được hơn một tháng, gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết vào vai anh với khoản tiền lương 2,5 triệu đồng/tháng. Triển cho biết do giá cả tăng chóng mặt, sau khi trừ tiền điện, nước, tã lót và sữa cho con, hai vợ chồng chỉ còn rau cháo đắp đổi. Thương chồng vất vả, dù còn yếu, chị Đặng Thị Hồng vẫn ráng đến các cơ sở làm củ năng gần nhà trọ lãnh hàng về làm thêm. Làm cật lực từ đầu hôm đến sáng, chị kiếm được 30.000 đồng. Nhìn vợ xanh xao vì thức khuya gọt củ năng, anh Triển không khỏi chạnh lòng.
Ghé phòng trọ của anh Nguyễn Thành Luân, CN may của một cơ sở may ví da trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - TPHCM, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi thấy mâm cơm chiều hết sức đạm bạc: Một đĩa rau muống luộc và hai con cá khô chiên bằng hai ngón tay. Luân cho biết anh lên TP cách đây hai tháng với mong muốn có được việc làm, thu nhập ổn định song thực tế lại khác hẳn. Do là CN mới, chưa có tay nghề nên thu nhập của Luân chỉ 1,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền nhà, điện, nước, xăng đã “ngốn” hết gần 800.000 đồng/tháng. Dù dè sẻn chi tiêu hết mức song Luân vẫn không có dư để gửi về quê phụ giúp gia đình.
Chen chúc trong những căn phòng chật chội
Rau và nước mắm gần như luôn có trong thực đơn hằng ngày của CN hiện nay. Tiết giảm tối đa chi tiêu sinh hoạt, trong đó có bữa ăn, là giải pháp số đông CN chọn lựa để đối mặt với “bão” giá. Ở các khu chợ tạm quanh các KCX-KCN, quầy hàng rau, trứng vẫn là nơi CN ghé nhiều nhất. Cầm bó rau muống và hai quả trứng vịt trên tay, chị Phạm Thị Vy (CN Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1), lắc đầu nói: “Ăn rau với trứng riết phát ngán nhưng đành phải chịu vì thứ gì cũng đắt đỏ”. Với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí nhà trọ, điện, nước và phụ thêm tiền học cho đứa em, gần như tháng nào, Vy cũng trắng tay, có khi phải vay thêm để chi tiêu. Mới đây, để tiết kiệm, chị chuyển sang ở ghép với hai người bạn tại căn phòng trọ chưa tới 10 m2, chật chội, ẩm thấp ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM.
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Trần Thị Hạnh (CN Công ty Sung Huyn Vina JSC, KCX Linh Trung) trong căn phòng trọ chỉ khoảng 7 m2, ẩm thấp. Căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ, một chiếc kệ để tivi và một góc để nấu ăn. Nhà vệ sinh và nơi giặt giũ dùng chung cho cả dãy trên 10 phòng trọ nên rất bất tiện. “Tệ một chút nhưng được cái giá rẻ, 300.000 đồng/tháng, thêm tiền rác, điện, nước là khoảng 500.000 đồng/tháng, phù hợp với mức lương của vợ chồng tôi”- chị Hạnh giải thích.
Khó cả giấc mơ học hành
Giá tăng còn làm cho những CN đang theo đuổi việc học nâng cao trình độ gặp không ít khó khăn. 20 giờ ngày 10-11, chúng tôi ghé thăm phòng trọ của vợ chồng anh Trần Văn Phụng, CN Công ty TNHH M.Tex VN (KCX Tân Thuận - TPHCM), đúng lúc cả nhà vừa xong bữa tối. Với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng và suất học bổng từ Quỹ Hỗ trợ CN, cố gắng dè sẻn chi tiêu, hằng đêm, Phụng cố gắng theo học ngành cơ - điện tử Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Thế nhưng, Phụng hết sức lo lắng khi nghe chủ phòng trọ thông báo sẽ tăng giá cho thuê từ 600.000 đồng/tháng lên 800.000 đồng/tháng. Để có thêm tiền trang trải chi phí cuộc sống, sắp tới, anh phải nghỉ một số buổi học để tăng ca.
Khác với anh Phụng, chị Hoàng Thị Hà (CN một công ty may ở quận Tân Bình - TPHCM) rất lo lắng vì không thể tranh thủ tăng ca được. “Tôi đang làm khóa luận tốt nghiệp Trường ĐH Luật TPHCM nên cần thời gian nghiên cứu tài liệu. Không tăng ca, cuộc sống sẽ khó khăn lắm”. Ở trọ trên đường Lê Văn Khương (quận 12 - TPHCM), một tuần 4-5 buổi tối, chị phải chạy xe máy 20 phút đến chỗ học. Mức lương không tăng ca của chị là 1,2 triệu đồng. Trừ đi các khoản tiền trọ, xăng... chị còn khoảng 600.000 đồng để chi cho việc học hành, ăn uống, sinh hoạt. “Lúc trước, tôi chi tiền chợ mỗi ngày 20.000 đồng, bây giờ chỉ dám chi 15.000 đồng”- chị buồn bã cho biết.
Từ giữa tháng 8-2010, giá phòng trọ gần các KCX-KCN TP tăng bình quân từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/phòng/tháng. Bên cạnh đó, giá cả những mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt, cá, nước chấm… cũng tăng đến chóng mặt khiến cuộc sống CN càng thêm chật vật. Trong khi đó, thu nhập bình quân hiện nay của đa số CN chỉ vào khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. |
Bình luận (0)