"Đầu năm 2018, TP HCM còn 21.863 hộ nghèo, chiếm 1,1% tổng hộ dân TP; 36.545 hộ cận nghèo, chiếm 1,83% tổng số dân TP. Trong đó, 20.708 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt trình độ nghề, chiếm 35,45% tổng hộ nghèo và cận nghèo; 1.214 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm, chiếm 2.07% tổng hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho các hộ này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được các cấp, ngành chung tay giải quyết" - bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nhấn mạnh như vậy tại hội nghị chuyên đề bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP do Ủy ban MTTQ TP tổ chức sáng 5-6.
Lệch pha cung - cầu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết TP xác định chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và căn cơ nhất để hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện lao động nên đã tập trung chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể như khảo sát nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động gắn với tư vấn, thông tin về việc làm, kết nối các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn giải quyết việc làm; phối hợp, liên kết với các trường, trung tâm có chức năng đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Người lao động tham gia tư vấn, tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do LĐLĐ quận 12 phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP tổ chức Ảnh: MAI CHI
Hơn 2 năm qua, các trung tâm dạy nghề đã đào tạo trình độ sơ cấp cho 39.427 người; đào tạo nghề cho 6.529 người và giải quyết việc làm cho 24.710 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa TP. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn TP vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. "Công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa gắn với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Dù đã được đào tạo nhưng chương trình chưa phù hợp nên tay nghề của người lao động (NLĐ) không đáp ứng quy trình sản xuất. Mặt khác, NLĐ sau khi được đào tạo vì không muốn đi làm xa nên thường chọn công việc trái chuyên ngành nhưng ở gần nhà, tạo ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu" - ông Lâm nói.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Lâm cũng đề nghị các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để NLĐ nhận thức đúng đắn về học nghề. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nghèo, cận nghèo theo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đa dạng hóa các lĩnh vực, nội dung đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với tính chất của NLĐ và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN trong nước và làm việc ở nước ngoài. Ngoài chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các tổ chức, đoàn thể quan tâm tuyên truyền, vận động mạnh thường quân hỗ trợ một phần thu nhập cho NLĐ để NLĐ tập trung học tập trong thời gian học nghề.
Gắn kết doanh nghiệp và trường nghề
Về vấn đề đào tạo nghề cho NLĐ nghèo, cận nghèo, bà Đặng Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, cho rằng: "Tham gia vào quá trình đào tạo nghề nghiệp cần các yếu tố gồm nhà nước, DN, nhà trường, người học và hiệp hội ngành nghề. Vì vậy cần có cơ chế ràng buộc 5 yếu tố trên thì mới giải quyết được bài toán đào tạo nghề, tránh gây tình trạng thiếu thì vẫn thiếu mà thừa thì vẫn thừa ở cả chất lượng lẫn số lượng như tình trạng hiện nay". Bà Hiền đề xuất nhà nước cần ban hành chính sách rõ ràng, định hướng đúng đắn, hoạch định các chiến lược cụ thể, tổ chức thực hiện và theo sát quá trình thực hiện để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển TP. Bà cũng cho rằng cần phân chia khu vực của các cơ sở đào tạo và các công ty, xí nghiệp, nhà máy như khu vực phía Nam TP, phía Bắc TP… và tăng cường việc gặp gỡ định kỳ nhằm trao đổi thông tin về nguồn nhân lực để các cơ sở đào tạo nghề xây dựng chương trình, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Trần Kim Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Các DN KCN-KCX TP, cho rằng hiện tại 17 KCX-KCN vẫn luôn trong tình trạng thiếu lao động, sẵn sàng đón nhận NLĐ có trình độ lẫn lao động phổ thông. "Vấn đề đặt ra là công tác đào tạo có đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN hay không? Hệ thống các trường dạy nghề nên gắn kết với DN nhiều hơn, nhất là các DN gần khu vực đào tạo để hoạt động theo phương thức đặt hàng dạy nghề, kết nối cung và cầu, giữa nhà trường và DN. Hiệp hội sẵn sàng phối hợp, ký kết các nội dung cụ thể với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình và phương thức kết nối giữa quận, huyện và KCX-KCN, giữa đào tạo nghề và kết nối việc làm để đem đến cơ hội việc làm tốt nhất cho NLĐ, nhất là NLĐ nghèo" - ông Long đề đạt.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!