Mở rộng thị trường, chuyển đổi cơ cấu đầu tư
Chưa bao giờ ngành cao su VN đứng trước khó khăn, thử thách nghiệt ngã như năm 2001: Suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng cao su thiên nhiên cung vượt cầu, có lúc giá cao su tụt xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, lại thêm thời tiết thất thường ảnh hưởng trên diện rộng... Nhưng bằng nỗ lực của tập thể lao động, TCT vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, một số công ty cao su (CTCS) miền Đông Nam Bộ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, 9/10 công ty dịch vụ trực thuộc làm ăn có lãi, thu nhập bình quân của 79.419 NLĐ đạt hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đó không phải là những con số để bằng lòng khi tỉ suất lợi nhuận trên vốn chưa cao, vẫn còn một số đơn vị làm ăn không hiệu quả, thu nhập của NLĐ ở các CTCS miền Trung còn thấp.
Từ đại hội ở cơ sở đến đại hội TCT lần này đều xác định lối ra là mở rộng thị trường bằng cách nâng sản lượng, chất lượng sản phẩm, trồng mới, tái canh và chăm sóc tốt vườn cây kiến thiết cơ bản, bước đầu chuyển đổi cơ cấu đầu tư từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ và xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng sản phẩm bắt nguồn từ vườn cây, từ NLĐ đến nhà máy; cán bộ quản lý phải giỏi, năng động, không chỉ biết tổ chức sản xuất mà còn biết tìm kiếm, mở rộng thị trường. Với các quỹ đất có lợi thế (về dân cư, công nghiệp, dịch vụ) cần phải tận dụng để đầu tư xây dựng nâng cao hiệu quả sử dụng đất (thành các khu công nghiệp và khu dân cư). Trước mắt cân đối vốn cho CTCS Đồng Nai xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dân cư 400 ha tại ngã ba Dầu Giây, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn để tăng nhanh tỉ trọng đầu tư trong ngành công nghiệp, cổ phần hóa một số đơn vị vừa và nhỏ, xúc tiến liên doanh chế biến gỗ cao su với đối tác Malaysia...
Đảm bảo thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng
Theo bà Phạm Thị Lan, Ban Lao động- Tiền lương TCT, trong yêu cầu phát triển căn cơ, cần xác định lao động không đơn giản chỉ là hàng hóa mà còn là nguồn lực quan trọng để quan tâm chăm sóc. Bà Lan dẫn chứng các CTCS Phước Hòa, Dầu Tiếng như là những điển hình: Bình quân đơn giá tiền lương cho NLĐ ở các đơn vị trong ngành khoảng 40%, thì hai CTCS trên từ 51,6%- 62%. Tại CTCS Phước Hòa, NLĐ còn có thêm nguồn thu đáng kể từ kinh tế phụ, từ năm 2001 không còn nhà tranh tre, công nhân khai thác được hưởng chế độ ăn giữa ca. Để chăm lo tốt hơn cho NLĐ, nhiều ý kiến đề nghị TCT sớm ban hành quy trình xây dựng cơ bản và quỹ công chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản để sớm lập và duyệt dự toán công trình, chủ động trong việc giao khoán quỹ lương cho cơ sở; đề nghị TCT giảm khấu hao cơ bản thay vì giảm giá thành để không ảnh hưởng tiền lương của NLĐ. Tinh thần quán triệt tại đại hội lần này là bằng mọi giá phải đảm bảo các chế độ chính sách cho NLĐ, giữ thu nhập bình quân không thấp hơn 1 triệu đồng/người/tháng, xem việc đầu tư nguồn lực con người không chỉ là truyền thống của ngành mà còn là trách nhiệm phải hoàn thành. Năm 2001, dù khó khăn, các đơn vị phải tiết kiệm, giảm các chi phí để hạ giá thành, song không được giảm chi phí tiền lương và đảm bảo thực hiện chế độ chính sách với NLĐ. Năm 2002, mục tiêu này tiếp tục duy trì với yêu cầu cao hơn, thực hiện khoán vườn cây xây dựng cơ bản và khoán thí điểm vườn cây kinh doanh cho NLĐ. Bà Lâm Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Cao su VN, thẳng thắn: “Vẫn còn tình trạng vi phạm chế độ chính sách với NLĐ ở một số đơn vị. Nên chăng cần thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và đã đến lúc cần xem xét lại, từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa quan điểm đánh giá thế nào là đơn vị hoạt động hiệu quả”. Theo bà Hiền, hiệu quả kinh tế cần phải gắn liền với những chính sách xã hội để đảm bảo phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ.
Trên 8,79 tỉ đồng dành cho đào tạo . Trong số 79.419 lao động toàn TCT có 74.746 người làm việc ở khối nông nghiệp, 1.947 người làm việc ở khối xây dựng, 2.004 người làm việc ở khối công nghiệp và dịch vụ, viện, trường, 722 người làm việc ở khối văn phòng. . Có 6 CTCS có tiền lương NLĐ năm 2001 đạt trên 1 triệu đồng/người/tháng (Phước Hòa, Bà Rịa, Dầu Tiếng, Tây Ninh, Phú Riềng, Tân Biên). Hai CTCS nhiều lao động nhất là CTCS Đồng Nai (15.076 lao động, tiền lương bình quân 926.337 đồng/người/tháng), CTCS Dầu Tiếng (12.266 lao động, tiền lương bình quân 1.242.753 đồng/người/tháng). . Năm 2001, TCT dành trên 8,79 tỉ đồng cho đào tạo, gồm trên 3 tỉ đồng kinh phí huấn luyện tại chỗ và trên 3,75 tỉ đồng kinh phí đào tạo trường lớp. |
Bình luận (0)