"Cách đây 23 năm, tôi đã đến Nhật Bản với tư cách là một du học sinh và học bằng thạc sĩ tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo với mong muốn trở thành một kỹ sư cơ khí chuyên ngành nghiên cứu khuôn mẫu. Mục tiêu của tôi là sẽ lên kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất khuôn mẫu tại Việt Nam trong tương lai. Sau khi tới Nhật, điều tôi học được ở Nhật Bản là tôi vô cùng ấn tượng bởi sự tuyệt vời của ngành công nghiệp và xã hội Nhật Bản, tôi suy nghĩ rằng rất nhiều những người trẻ Việt Nam như tôi nếu đến Nhật Bản, học kỹ năng kỹ thuật từ ngành công nghiệp Nhật, học những tinh hoa từ văn hóa Nhật, sau đó trở về có thể giúp cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai trở nên giống như Nhật Bản" – ông Lê Long Sơn chia sẻ.
Tại diễn đàn quan trọng này, ông Lê Long Sơn khẳng định: Thông qua chương trình thực tập sinh, phía Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập mà đây sẽ còn là cơ hội tốt để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ năng làm việc tốt làm nền tảng cho sự phát triển Việt Nam trong tương lai.
"Tôi cũng nhận định rằng nếu không được đào tạo gì, ai cũng có thể tới được Nhật với mục đích kiếm được nhiều tiền thì những người này chỉ suy nghĩ những vấn đề trước mắt, và sau khi sang Nhật rồi thì giá trị mười mấy vạn yên nhận được cũng không còn là quá cao nữa. Khi số tiền kiếm được không được như mong đợi, khiến động lực làm việc và học tập đi xuống sẽ rất dễ bị cám dỗ rằng "Có một nơi trả lương cao hơn", từ đây sẽ dẫn đến việc sẽ bỏ trốn khỏi nơi làm việc, đào tẩu và trở thành tội phạm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ rất cần phải giáo dục ý thức thật kỹ cho những thanh niên này. Những người trẻ tuổi ở Việt Nam có thể có động lực nhưng tôi mong muốn họ biết rằng không nên chỉ biết suy nghĩ những vấn đề trước mắt, hay sang Nhật không chỉ kiếm tiền, tiền tất nhiên sẽ kiếm được nhưng hơn thế nữa là hãy học thật nhiều điều bổ ích cho bản thân. Đó là học tiếng Nhật, học kỹ năng kỹ thuật tại doanh nghiệp Nhật Bản, làm thế nào để học cách quản lý công việc từ cách quản lý của người Nhật. Có thể học rất nhiều những kỹ năng khác nhau như kỹ năng 5S, QCD hay kỹ năng quản lý chất lượng, HORENSO (báo cáo, liên lạc, bàn bạc). Những kỹ năng tuyệt vời này sau khi học được tại Nhật Bản sẽ mang về Việt Nam. Sau khi về có thể trở thành những nhân sự tốt, cán bộ ưu tú hay trở thành những nhà quản lý tài năng, từ đó chắc chắn sẽ nhận được mức lương tốt hơn và đây là một chu kỳ tích cực mà tôi thực sự muốn thực hiện khi bắt đầu chương trình này", ông Sơn nói về tầm quan trọng của vấn đề tuyển chọn và đào tạo đối với những thực tập sinh tương lai.
Ông cho rằng, những điều này sẽ là lợi thế cạnh tranh của người lao động, là nền tảng để họ có được công việc tốt, vị trí tốt và thu nhập tốt khi trở về Việt Nam làm việc.
Đặc biệt, ông đề cập đến một chương trình mới mà Chính phủ Nhật Bản còn đang thảo luận trước khi chính thức ban hành, đó là dự luật về "Kỹ năng đặc định".
"Đối với chương trình mới Kỹ năng đặc định khi được ban hành thì chắc chắn sẽ mong muốn tiếp nhận được những nhân sự đáng tin cậy từ những đất nước đáng tin cậy. Để thực hiện được điều đó nên có sự ký kết hiệp định giữa hai quốc gia về những quy định đối với chương trình giống như chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng. Việc đề xuất này theo tôi cho dù luật định về quản lý đối với chương trình mới cho dù tốt đến đâu nếu tiếp nhận những nhân lực chất lượng kém sẽ phát sinh rất nhiều những vấn đề khó khăn cho việc quản lý những nhân sự này.
Thêm một vấn đề nữa là trước đó, tại mỗi quốc gia đều có những quy định về luật pháp khác nhau, đặc thù văn hóa, con người cũng như sự kỳ vọng của quốc gia đó với chương cũng không giống nhau. Lấy ví dụ như Chính phủ Việt Nam khi muốn phái cử nhân lực thì sẽ cần phải có sự điều chỉnh, tiến cử những đơn vị phái cử, cơ quan đào tạo thực sự nghiêm túc có uy tín. Khi đó Chính phủ sở tại nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, hay thả lỏng việc quản lý sẽ tạo cơ hội cho những thành phần xấu như cò mồi, môi giới tham gia. Có rất nhiều người Việt Nam mong muốn qua nước ngoài nhưng vì không có nhiều hình thức để đi nên nếu không đi được theo hướng hợp pháp thì họ sẽ tìm cách liên hệ với các thành phần bất hợp pháp như cò mồi môi giới, sẽ thêm vấn đề đáng lo ngại vì tiếp nhận phải những nhân sự chất lượng kém", ông Sơn nói.
Vì vậy, Esuhai đề xuất, chương trình theo Luật mới cần phải tuyển chọn những người lao động có ý thức học tập và làm việc cao, có tay nghề chuyên môn kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình thực tập sinh. Những đối tượng này sẽ nhận được mức lương cao hơn và có điều kiện phù hợp để bắt đầu làm việc luôn. Điều này góp phần giúp cho người lao động có động lực gắn bó, phát triển và các doanh nghiệp cũng sẽ phát triển, và về lâu dài sẽ tạo sự tin tưởng và phát triển chung giữa hai quốc gia.
Chương trình này cũng cần được hai Chính phủ Nhật Bản – Việt Nam ký kết quy định hợp tác để Chính phủ Việt Nam kiểm soát và quản lý được quá trình tuyển chọn, đào tạo một cách hợp pháp và chặt chẽ trước khi người lao động nhập cảnh sang Nhật làm việc, đồng thời kiểm soát và chọn ra các doanh nghiệp uy tín để tham gia phái cử người lao động sang Nhật Bản làm việc.
Bên cạnh đó, tiếp tục chương trình thực tập sinh, mở rộng hơn nữa ngành nghề tiếp nhận để người lao động tốt có cơ hội sang Nhật làm việc và học tập.
Việc một cá nhân được mời tham gia đóng góp ý kiến tại Quốc hội Nhật Bản đã là chuyện không phổ biến, đặc biệt khi đó lại là một người nước ngoài. Đây là lần thứ hai ông Lê Long Sơn – Giám đốc một công ty tư nhân tại Việt Nam, được Quốc hội Nhật Bản mời tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài làm việc tại Nhật. Trước đó, vào tháng 11/2016, ông Lê Long Sơn đã được mời đóng góp ý kiến tại Ủy ban Pháp luậtcủa Thượng viện Nhật Bản để xây dựng dự thảo liên quan đến việc bảo vệ thực tập sinh kỹ năng và thực thi đúng việc huấn luyện kỹ năng cho người lao động nước ngoài. Luật này đã được ban hành ngày 1/11/2017.
Thông qua việc được đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật lần này, ông Lê Long Sơn hy vọng với tiếng nói của mình, có thể phần nào đó giúp cho Chính phủ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chương trình để từ đó đưa ra các quyết định chuẩn xác, phù hợp, góp phần nâng cao lợi ích cho người lao động Việt Nam nói riêng, thắt chặt mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa 2 quốc gia Việt Nam – Nhật Bản nói chung.
Bình luận (0)