Giảm giờ làm trong tuần không chỉ bảo đảm cho NLĐ được thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bình đẳng với khu vực nhà nước. Việt Nam đã thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ từ năm 1999 đối với khu vực nhà nước. Trong 20 năm qua, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và NLĐ khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước.
Người lao động cần thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình. Ảnh: AN KHÁNH
Tại Bình Dương, hiện có khoảng 50 DN đã áp dụng thời gian làm việc không quá 44 giờ/tuần và có xu hướng tiếp tục giảm. Qua trực tiếp khảo sát tại các DN này, cho thấy mặc dù đã áp dụng giờ làm từ 42 đến 44 giờ trong tuần nhưng năng suất lao động, tiền lương của NLĐ không giảm, DN cũng không phải tuyển thêm lao động. Trong xu thế của thời đại công nghệ 4.0, bên cạnh yếu tố sức lao động và thời giờ làm việc, yếu tố tác động nhiều nhất đến năng suất lao động chính là máy móc, công nghệ và năng lực quản trị của DN. Trong báo cáo 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy 80% DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ ở mức trung bình, 14% sử dụng công nghệ ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5%-6% sử dụng công nghệ cao nhưng vẫn chủ yếu ở ngành gia công, lắp ráp. Đây mới chính là nguyên nhân năng suất lao động của lao động Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, đã đến lúc cần quy định giảm giờ làm trong tuần nhằm thúc đẩy các yếu tố tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, nhà nước và toàn xã hội.
Bình luận (0)