Thống kê của BHXH TP Đà Nẵng, tính đến ngày 31-7-2022, có 1.276 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ hơn 115 tỉ đồng. Trong đó có 138 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền hơn 82,6 tỉ đồng.
Đi cũng dở, ở chẳng xong
Lương đã thấp, nhiều người lao động (NLĐ) tại Đà Nẵng còn phải méo mặt trước cảnh DN làm ăn thua lỗ, nợ BHXH.
Ông Lâm Văn Hành, bảo vệ tại một công ty tư vấn xây dựng (trụ sở đóng ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), cho hay mỗi tháng chỉ được làm hơn 15 công, thu nhập gần 3 triệu đồng. Vừa rồi, tra cứu danh sách nợ trên Cổng thông tin của BHXH TP Đà Nẵng, ông tá hỏa phát hiện công ty mình đang nợ gần 1 tỉ đồng các khoản BHXH, BHYT, BHTN. Ông Hành thắc mắc với lãnh đạo công ty thì nhận được câu trả lời do dịch bệnh nên làm ăn thua lỗ. "Thu nhập chỉ 3 triệu đồng khiến tôi sống hết sức chật vật. Thời gian gần đây, cảm thấy sức khỏe không được tốt, tôi đi khám bệnh thì mới nhớ ra công ty còn nợ BHXH. Giờ tôi cũng không biết kêu ai" - ông Hành rầu rĩ.
Cán bộ Công đoàn TP Đà Nẵng (bìa trái) hướng dẫn công nhân Công ty TNHH MTV TBO Vina khởi kiện đòi quyền lợi BHXH
Tương tự, chị Nguyễn Hằng Nga, công nhân một xí nghiệp cơ khí (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), cho hay từ giữa năm 2020 đến nay, do xí nghiệp thu hẹp sản xuất nên chị chỉ nhận lương nhỏ giọt. Chị cũng đã tính đến phương án nghỉ việc ở đây để tìm chỗ làm mới nhưng vì công ty chưa thanh toán hơn 10 triệu đồng chế độ thai sản nên tiếp tục bám trụ. "Việc công ty nợ BHXH khiến tôi không còn động lực làm việc. Đi cũng dở, ở không xong là tình cảnh của tôi lúc này" - chị Nga nói.
Nhiều DN tại Đà Nẵng đang lấy lý do kinh doanh khó khăn vì dịch Covid-19 để nợ BHXH. Tuy nhiên, theo thống kê của BHXH TP Đà Nẵng, phần lớn DN nợ BHXH kéo dài trước khi xảy ra đại dịch. Cụ thể, các DN nổi tiếng chây ì trong việc đóng các khoản thu BHXH như: Công ty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà Chi nhánh 5 tại Đà Nẵng nợ tổng cộng hơn 12 tỉ đồng; Chi nhánh II Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng nợ tổng cộng 8,9 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 592 nợ tổng cộng 2,3 tỉ đồng. Đặc biệt, Công ty TNHH Empire Hospitality - chủ đầu tư tổ hợp Cocobay nổi tiếng Đà Nẵng nợ 8,9 tỉ đồng. Công ty Cơ khí Ôtô và Thiết bị điện Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) dù chỉ có khoảng 16 lao động nhưng nợ BHXH, BHYT đến hơn 8 năm, với số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Kiên quyết xử lý
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, BHXH TP Đà Nẵng cho biết việc xử lý nợ còn nhiều khó khăn do NLĐ bị áp lực về việc làm, thu nhập nên không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Nhiều DN thay đổi chủ sở hữu, không có người chuyên trách công tác BHXH, BHYT nên để nợ đọng kéo dài rồi chuyển trụ sở hoặc phá sản, không liên hệ được. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về trích nộp BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Thậm chí, có trường hợp như Công ty TNHH Empire Hospitality sau khi bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt 150 triệu đồng, vẫn phớt lờ yêu cầu truy đóng nợ BHXH.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc trong xử lý đối với đơn vị đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích. Về khởi kiện, luật hiện hành đang có một số bất cập trong quy định về thủ tục để tổ chức Công đoàn khởi kiện, cụ thể: DN và NLĐ phải trải qua quá trình hòa giải, phải có ủy quyền của toàn bộ NLĐ... Đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế vì số lượng NLĐ ở các DN nợ BHXH, BHTN, BHYT là rất lớn nên hầu như không thực hiện được.
Về hướng giải quyết, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, cho hay sẽ tăng cường rà soát, đối chiếu phân loại đơn vị nợ để áp dụng các giải pháp giảm nợ phù hợp cho DN. Đồng thời, thực hiện thanh tra liên ngành, xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung các DN có số nợ lớn, thời gian kéo dài và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, ông Nguyễn Hùng Anh cho rằng cần lưu ý vấn đề truyền thông qua tất cả các kênh hiện có. "Truyền thông nâng cao nhận thức của NLĐ là rất quan trọng. BHXH TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để nắm bắt tình hình DN, nâng cao nhận thức về trách nhiệm trích nộp của chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, kéo dài trên Cổng thông tin điện tử thành phố, website BHXH thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng để NLĐ nắm, hiểu rõ" - ông Nguyễn Hùng Anh thông tin.
Bình luận (0)