Trong vai trò là nhân viên marketing cho một doanh nghiệp đóng tại TPHCM, Đào Kim Ánh còn đảm nhận thêm nhiều việc cho một số công ty ở chuyên ngành thiết kế. Tuy là nghề tay trái nhưng công việc thiết kế đã mang lại cho cô sự sáng tạo không ngừng và nguồn thu nhập đáng kể.
Không thích ràng buộc
Cách đây 5 năm, Đào Kim Ánh được Công ty LantaBrand tuyển dụng làm nhân viên thiết kế. Cũng trong thời gian làm việc, cô thường xuyên gặp gỡ khách hàng có nhu cầu thiết kế logo, thương hiệu. Qua công việc, cô dần quen với khách hàng và biết đến công việc mà các chuyên gia nhân sự gọi là freelancer (người làm việc tự do).
“Đó là lần một khách hàng của công ty đề nghị tôi thiết kế giúp những mẩu quảng cáo cho các sản phẩm. Không ngờ, khi sản phẩm hoàn tất, vị khách ấy truyền tai với khách hàng khác về những sản phẩm mà tôi thực hiện. Qua lời giới thiệu, nhiều khách hàng tìm đến nhờ tôi thiết kế”. Chỉ một năm làm việc, Ánh đã quyết định thôi việc ở công ty và trở thành người làm việc tự do.
Chia sẻ kinh nghiệm làm việc freelancer tại tọa đàm về việc làm thêm
Trở thành người làm việc tự do, Ánh hoàn toàn chủ động về thời gian cũng như tiến độ làm việc. “Tuy không ai hối thúc nhưng tôi vẫn phải làm việc hết mình. Bởi hơn bao giờ hết, làm freelancer cần giữ chữ tín”. Những dự án về thiết kế luôn được cô thực hiện đúng tiến độ, chất lượng nên khách hàng tìm đến ngày càng đông.
Ánh nhớ nhất là lần làm dự án cho một loại thức uống. “Lúc ấy, các thành viên trong công ty chưa hề có ý tưởng cho nhãn hàng cũng như màu sắc hay logo cho sản phẩm. Khi nhận thực hiện dự án, nhóm chúng tôi rất lo lắng. Các thành viên của nhóm họp bàn với nhau và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Phải mất gần 8 tháng miệt mài làm việc, chúng tôi mới hoàn thành và được khách hàng hết sức hài lòng”.
Cần đa năng
Freelancer đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì ngoài thu nhập cao, người lao động còn thể hiện được nhiều kỹ năng khác trong quá trình làm việc. Để có thể trở thành một người làm tự do thành công, các bạn trẻ cần có nhiều kinh nghiệm trong nghề và thuần thục nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc...
Từng làm freelancer cho các dự án tiếp thị số như Lowe Worldwide, Ogilvy, Kotex, Close up và hiện đang là copywriter (viết ý tưởng quảng cáo) của Neo Communication, anh Đặng Trần Lê Vũ cho biết để thành công trong lĩnh vực này, các ứng viên phải linh hoạt trong công việc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và thời gian.
Đó cũng là lý do khiến cho những sinh viên vừa tốt nghiệp không thể thành một freelancer giỏi. “Ít nhất, họ phải trải qua vài năm trong các công ty lớn và có những sản phẩm chất lượng tốt, đạt đến độ chín nhất định về nghề nghiệp, tạo được mối quan hệ rộng”. Cũng theo anh Vũ, tài sản lớn nhất của một freelancer chính là mối quan hệ. Từ mối quan hệ, freelancer mới khẳng định tay nghề của mình khi xây dựng “thương hiệu” cá nhân.
Ông Phạm Xuân Tùng, Giám đốc phát triển Motibee, cho biết: Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang sử dụng hình thức “outsourcing” (thuê ngoài) từ các vị trí cần lao động chất xám lẫn lao động thủ công. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đều “ôm đồm” hết các việc này hoặc thi thoảng sử dụng hình thức thuê ngoài trên quan điểm chỉ là giải pháp tạm thời.
Thực tế, lực lượng freelancer có thể nhanh chóng thay thế hoặc tạm thời bổ sung nguồn lực cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhờ sự chuyên nghiệp và kỹ năng chuyên biệt phù hợp. Mô hình này đặc biệt thuận lợi trong trường hợp công việc không thường xuyên hoặc cần năng lực đặc biệt. Một lợi điểm nữa của mô hình này là doanh nghiệp không phải chi trả lương và phúc lợi cố định mà chỉ thanh toán theo hiệu quả công việc của từng dự án.
Ngày 24-3, hội chợ việc làm thêm dành cho freelancer sẽ được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1 - TPHCM). Tại ngày hội, các doanh nghiệp sẽ rao tuyển 3.000 lao động freelancer thuộc 23 ngành nghề. |
Bình luận (0)