Rất khó gặp nghệ sĩ (NS) Kim Phượng, chủ cơ sở sản xuất trang phục cải lương Phượng Nga (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM), trong những ngày này, bởi bà luôn tất bật với công việc phục trang cho chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” nhân kỷ niệm 64 năm thành lập Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Ở TP HCM, cùng với người em ruột là NS Bạch Nga, tay nghề làm phục trang của bà Kim Phượng được các đoàn cải lương đánh giá cao bởi chất lượng và độ sắc sảo, góp phần thành công cho các vở diễn trên sân khấu.
Khắt khe với bản thân
Khi chúng tôi ghé thăm nhà, chị em NS Kim Phượng - Bạch Nga đang hoàn thành chiếc long bào do một NS quen đặt may. Ở tuổi 60 nhưng các động tác của bà Kim Phượng vẫn rất nhanh nhẹn và thuần thục. Bên tách trà nóng, bà say mê tâm sự với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề.
Cha NS Kim Phượng là ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, chủ gánh hát cải lương Huỳnh Long trước năm 1975. Từ nhỏ, chị em bà đã theo gánh hát của cha rong ruổi đây đó mưu sinh. “Ngày trước, nhiều đoàn hát từ Quảng Đông - Trung Quốc hay sang biểu diễn tại Chợ Lớn. Khi về nước, họ thường bán lại trang phục và đạo cụ cho các gánh hát ở Sài Gòn, ba tôi cũng mua đem về làm trang phục cho đoàn. Sau một thời gian dài sử dụng, trang phục bị hỏng khá nhiều nên ông tự sửa lại và cũng từ đó, gia đình có thêm nghề may trang phục” - NS Kim Phượng nhớ lại.
Thập niên 1970-1980, khi sân khấu cải lương còn sáng đèn, trang phục biểu diễn được các đoàn đặt may nhiều. Cùng với người em gái, bà Phượng được cha truyền nghề lại. Nhìn bà thao tác cẩn thận với từng đường kim, mũi chỉ, nhất là các chi tiết đính trên trang phục, chúng tôi cảm nhận được phần nào đam mê nghề nghiệp ở NS này.
Để có một bộ trang phục đúng chuẩn dành cho vua, quan, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, quân lính..., ngoài kiến thức rộng về lịch sử, người may cần có sự nhẫn nại, tỉ mỉ, nhất là đôi bàn tay phải khéo léo, bởi phải thực hiện rất nhiều công đoạn có độ khó cao. Từ việc chọn vải, lên ý tưởng đến thực hiện các công đoạn may, để phù hợp với từng nhân vật và thiết kế sân khấu đòi hỏi phải kỳ công.
“Để chiếc áo thêm phần lộng lẫy, người may phải dùng keo phác thảo hình rồng, phụng và hoa văn lên vải, sau đó rắc kim tuyến, đính kim sa hay kết cườm bằng tay. Những chi tiết dù rất nhỏ cũng phải có sự liên kết chặt chẽ để tôn thêm tính cách của nhân vật” - bà Phượng cho biết.
Khi nhận đơn hàng, NS Kim Phượng thường hỏi kỹ về tuồng tích vở diễn, nhân vật để thiết kế trang phục phù hợp. “Với vở diễn về lịch sử dân tộc, trang phục được thiết kế phải chỉn chu, như vậy mới khắc họa được chân dung nhân vật. Để làm được điều đó, ngoài am tường về lịch sử, người may phải khắt khe với chính bản thân” - bà Phượng bộc bạch.
Tạo niềm tin bằng chữ tín
Thời cải lương hưng thịnh, nghề may trang phục sống được nhờ các NS nổi tiếng đặt đồ riêng rất nhiều. Hiện nay, cải lương không còn được như xưa nhưng NS Kim Phượng vẫn bám trụ với nghề.
Tay nghề của NS Kim Phượng đã được kiểm chứng nên các đoàn hát, đoàn làm phim, ca nhạc, trường sân khấu, hội diễn văn nghệ... luôn tìm đến bà đặt may hay thuê phục trang cho các buổi diễn. Những chương trình dù lớn hay nhỏ, dù ở Bình Dương, Long An hay Cà Mau, Bạc Liêu…, bà cũng nhận tham gia hóa trang, chỉnh trang phục cho từng nhân vật. Điều ấy cho thấy sự tận tâm của người phụ nữ 40 năm gắn bó với nghề này.
Luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng để hoàn thiện tay nghề, chất lượng sản phẩm nên bà Kim Phượng tạo được uy tín với giới NS. Cũng nhờ uy tín ấy mà khi bấm máy bộ phim Tây Sơn hào kiệt, đạo diễn Lý Huỳnh đã tin tưởng giao bà lo phần phục trang cho hơn 1.000 diễn viên. Dân ghiền cải lương ở TP HCM rất ấn tượng với những bộ trang phục đẹp mắt được các diễn viên nổi tiếng sử dụng trong những vở: Tô Hiến Thành xử án, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt... Tất cả đều do bàn tay tài hoa của NS Kim Phượng thực hiện. Đến nay, nhiều NS cải lương vẫn tìm bà đặt may trang phục.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, những bộ trang phục do NS Kim Phượng làm ra còn được các NS ở hải ngoại đánh giá cao bởi độ sắc sảo. “Trang phục biểu diễn của chị giúp tôi tự tin hơn khi trình diễn trên sân khấu”- NS cải lương Lý Kim Thành nhận xét.
“Tôi hạnh phúc vô cùng khi thấy các NS mặc trang phục do chính tay mình thiết kế. Mỗi lời khen của khán giả và thành công của từng vở diễn đã tiếp thêm động lực cho tôi gắn bó với nghề mà ông bà truyền lại” - bà Kim Phượng thổ lộ.
Bình luận (0)