xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ hồn sách cũ

Bài và ảnh: NGÂN HÀ

Không chỉ giúp khách lưu giữ sách quý, tiệm đóng sách của ông Rạng còn là nơi học sinh đến tìm hiểu về một nghề đang bị lãng quên

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM, căn nhà nhỏ vừa là nơi ở vừa là tiệm đóng sách của ông Võ Văn Rạng (54 tuổi) là địa điểm lui tới thường xuyên của người chơi sách tại TP HCM. Nghề đóng sách thủ công một thời hưng thịnh nay đã bị mai một theo thời gian và ông Rạng được xem là người đóng hiếm hoi còn theo nghề.

Chiến thắng bản thân

Sinh ra trong một gia đình công chức nghèo có đến 11 anh chị em nên tuổi thơ của ông Rạng khá vất vả. Cơn sốt bại liệt năm lên 3 khiến đôi chân ông không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khó khăn ấy vẫn không thể ngăn cản tinh thần hiếu học của cậu bé Rạng. Thấy con nằng nặc đòi đến trường, ba mẹ cậu đành chiều theo dù biết rằng con sẽ thua thiệt bạn bè đồng trang lứa. Và hành trình đến trường với cậu bé Rạng là những tháng ngày gian khó. Lắm lúc, đôi chân yếu ớt khiến cậu bị té ngã trên đường, hai đầu gối thâm tím, song điều ấy không làm nhụt ý chí vươn lên của cậu học trò nghèo.

Ông Võ Văn Rạng cố gắng giữ nguyên trạng từng quyển sách
Ông Võ Văn Rạng cố gắng giữ nguyên trạng từng quyển sách

Học hết phổ thông, năm 1978, ông đến học nghề đóng sách tại nhà Bà Hai Công Lý, mẹ ruột của một người bạn thân trong lớp. Hỏi lý do vì sao lại chọn nghề này, ông Rạng giải thích nghề đóng sách phù hợp với thể trạng sức khỏe, giúp ông thỏa sức đọc sách và tiếp cận tri thức mới. Học nghề xong, ông đi làm một vài nơi, đến năm 1990 thì nghỉ hẳn, tự mở tiệm đóng sách tại nhà do sức khỏe sa sút. Thập niên 1990, sách mới xuất bản còn ít nên sách cũ được người đọc hết sức trân trọng, gìn giữ, điều này giúp ông Rạng sống được. Yêu sách, bản tính cẩn thận, đặc biệt là rất khéo tay nên ông Rạng được nhiều người tin tưởng, gửi đóng những cuốn sách cổ, sách quý. Chỉ tay vào cuốn Tự điển An Nam Pháp xuất bản năm 1898, ông Rạng cho biết nó vô giá. Khi chủ nhân cuốn sách đem đến nhờ đóng lại, dù chỉ đã mục, nhiều trang bên trong không còn nguyên vẹn song với sự chỉn chu, ông vẫn phục chế thành công. “Có những quyển xuất bản mấy chục năm trời, trong đó có lời đề tặng vào những dịp đặc biệt nên chủ nhân muốn giữ lại làm kỷ niệm. Giúp khách hàng lưu lại những kỷ niệm đẹp là công việc của người đóng sách” - ông Rạng bộc bạch.

Nâng niu tri thức

Theo ông Rạng, người làm nghề đóng sách không chỉ cần có sự tỉ mỉ mà còn phải có tình yêu với sách. Nếu không chỉn chu, một người có thể mất cả ngày chỉ để tháo một cuốn sách, không khéo còn làm rách. Có 2 cách để đóng sách: Sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng hoặc đóng lớp bìa mới, cắt xén thật tinh tươm. “Đa số khách đều muốn giữ nguyên trạng để bảo tồn giá trị sách. Nếu thay bìa, cắt xén thì sách giữ được lâu hơn nhưng sẽ khác xa so với bản gốc và làm giảm giá trị” - ông cho biết.

Dụng cụ hành nghề của ông chỉ có mấy món đồ đơn giản: dao rọc giấy, kéo, kim, chỉ, kéo, hồ và một chiếc máy cắt giấy “cổ lỗ sĩ”. Đầu tiên, ông nhẹ nhàng tháo bìa và khéo léo mở từng tép sách ra. Xong công đoạn này, ông dùng kéo cắt những phần giấy thừa rồi dùng chỉ may lại từng tép giấy. Xong đâu đấy, ông xếp lại trình tự các trang rồi dùng hồ bôi vào gáy sách, sau đó dán bìa. Hồ vừa khô, ông dùng dao rọc nhẹ vào những trang bị dính. Các công đoạn đều được ông thực hiện một cách thuần thục, tỉ mỉ. “Từng công đoạn phục chế nhìn qua thấy đơn giản nhưng nếu không thực hiện một cách cẩn thận thì có thể làm hỏng sách. Nếu không chú tâm, các trang sẽ nhảy lung tung, phải tháo ra làm lại từ đầu” - ông giải thích.

Hạnh phúc của ông Rạng trong suốt 36 năm làm nghề không đơn thuần là đem lại niềm vui cho khách mà còn thỏa mãn thú vui “đọc ké” sách, nhất là sách quý. Ông đặc biệt yêu thích thơ văn của: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Thạch Lam, Khái Hưng... Mỗi ngày, ông chỉ đóng từ 6 đến 8 quyển, thời gian còn lại ông đọc sách, uống trà và chăm sóc cây kiểng quanh nhà. Tiền công đóng sách từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/quyển nhưng như thế là quá đủ với người độc thân như ông. “Sách do ông Rạng phục chế gần như nguyên bản và vẫn giữ được cái hồn riêng khiến ai cũng bất ngờ. Chính sự cầu toàn trong nghề của ông giúp gia đình tôi lưu giữ được rất nhiều sách quý” - anh Nguyễn Quang Dũng, một khách hàng lâu năm của ông Rạng, nhận xét. Nhiều năm qua, tiệm đóng sách của ông Rạng còn là nơi các em học sinh trong CLB Học văn để sống ở Trường THPT Đinh Thiện Lý đến tìm hiểu về một nghề đang bị lãng quên.

 

“Rèn cho bản thân tính tỉ mỉ và có cơ hội tích lũy kiến thức ở tất cả các lĩnh vực, nghề đóng sách đem lại cho tôi rất nhiều thứ và tôi hạnh phúc vì điều đó” - ông Rạng bộc bạch.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo