Thay vì nghỉ ngơi giữa trưa như đồng nghiệp, chị Bạch Bích Bội, nhân viên Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, tranh thủ thời gian để ôn bài. “Tôi đang theo học hệ liên thông ĐH ngành quản trị kinh doanh (QTKD) Trường ĐH Tài chính - Marketing. Vừa làm vừa học nên mình phải tranh thủ thời gian...” - chị Bội cho biết.
Học để giỏi nghề
Sau khi tốt nghiệp khoa QTKD Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, chị Bội vào làm việc tại phòng kinh doanh Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi. Qua công việc, chị càng thấy rõ cần phải nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Chị nói: “Không học mình sẽ bị tụt hậu, sẽ bị đào thải, khó giữ được chỗ làm”. Theo chị Bội, cả khoa chị theo học hơn 100 học viên nhưng có đến 70 người đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN).
Cũng ở Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, đối với anh Trần Văn Tân, việc học không có điểm dừng. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa QTKD Trường ĐH Ngoại thương TPHCM, anh xin vào công ty. Từ thực tiễn công việc, anh nhận thấy những gì mình đã học vẫn còn thiếu so với yêu cầu công việc. Thế là năm 2008, anh quyết định tiếp tục học cao học QTKD tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM). Sau 4 năm vừa học vừa làm, anh đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ. “Vốn kiến thức, kỹ năng trong quá trình học cao học đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Hiện tôi đang học thêm lớp nghiệp vụ hành chính vào buổi tối để bổ trợ thêm chuyên môn” - anh Tân bộc bạch.
Suy nghĩ học để nâng cao trình độ, chuyên môn, có việc làm ổn định, tiến thân ngày càng được nhiều người coi trọng. Đó cũng là cơ sở mà chị Lê Thị Thủy, nhân viên bộ phận nhân sự Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, đang cố gắng theo học hệ văn bằng 2 Trường ĐH Luật TPHCM. “Năm 2012, một số nhân viên làm việc không hiệu quả đã bị công ty sa thải nên tôi phải học lên để củng cố kiến thức luật. Có như vậy, tôi mới làm việc tốt, tránh được nguy cơ thất nghiệp”- chị Thủy tâm sự.
Không sợ doanh nghiệp sa thải
Theo bà Huỳnh Thị Kim Bắc, Phó Phòng Hành chính Nhân sự Công ty May Quốc tế Thắng Lợi, mọi DN đều đòi hỏi ngày càng cao đến chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, người lao động phải phấn đấu không ngừng, trau dồi kiến thức mới có thể trụ lại DN. Theo bà Bắc, ngoài bộ phận trực tiếp sản xuất, hiện tại nhiều phòng ban trong Công ty May Quốc tế Thắng Lợi đều có nhân viên đang theo học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, ĐH, văn bằng 2… “Hầu hết những nhân viên đã và đang đi học đều có tiến bộ rõ rệt trong công việc. Chính vì vậy, từ năm 2012 đến nay, chưa có nhân viên nào bị cho thôi việc. Nếu người lao động có năng lực thì không sợ DN sa thải” - bà Bắc khẳng định.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng trong thời gian tới, xu hướng tái cấu trúc DN sẽ diễn ra quyết liệt hơn. Trong đó, một số DN do sản xuất, kinh doanh khó khăn sẽ tiếp tục cắt giảm, tinh gọn nhân sự. Do vậy, nếu không chủ động nâng cao trình độ, chuyên môn, người lao động khó tránh khỏi nguy cơ bị mất việc. “Trong thời buổi thất nghiệp gia tăng như hiện nay, những ai biết cách đầu tư đúng cho nghề nghiệp mới có thể giữ được việc làm”- bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc Nhân sự và Đào tạo EDUGLOBAL, khuyến cáo như vậy.
Tạo cơ hội thăng tiến Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, cho rằng học tập nâng cao trình độ không những giúp người lao động tránh được nguy cơ thất nghiệp mà còn có cơ hội thăng tiến. DN luôn tạo điều kiện và có đãi ngộ xứng đáng với nhân viên có chí cầu tiến. “Với tấm bằng thạc sĩ, sắp tới anh Trần Văn Tân sẽ được đề bạt vào vị trí phó phòng kinh doanh” - ông Hòa cho biết. |
Bình luận (0)