Sau 2 tháng tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương do công ty tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, nguồn tài chính của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Nga, nhân viên tạp vụ Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM) gần như cạn kiệt. Do vậy, khi hay tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ (CP) về việc sử dụng 30.000 tỉ đồng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2020 để hỗ trợ bằng tiền cho người lao động (NLĐ), bà Nga phấn khởi.
Bị "lọt sổ"
Bà Nga không lập gia đình, hiện sống cùng 2 người em và một người cháu đang đi học. Em gái bà cũng đang thất nghiệp, còn em trai bệnh bị tâm thần. Trước khi nghỉ việc, tổng thu nhập của 2 chị em bà được hơn 10 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện mới đủ chi tiêu cho gia đình nên không có tích lũy. Khi dịch ập đến, bà phải chạy vạy lo bữa ăn hằng ngày. Hiện tại, bà cùng hơn 270 công nhân (CN) ngừng việc tại công ty chưa được nhận khoản hỗ trợ 3.710.000 đồng/người theo Nghị quyết 68/NQ-CP của CP nên rất mong chờ khoản hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ đồng nêu trên. Theo tính toán của bà Nga, với 8 năm tham gia BHTN, số tiền hỗ trợ bà được hưởng sẽ là 2,65 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trường hợp bà Nga có thể không được hưởng chính sách. Cụ thể, Nghị quyết 116/NQ-CP quy định về đối tượng áp dụng gồm: NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) và NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến hết 30-9-2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.
Cán bộ LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM, hỗ trợ thực phẩm cho công nhân ở trọ khó khăn Ảnh: HỒNG ĐÀO
Đối tượng NLĐ đang tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương không được đề cập trong quy định này. Hơn nữa, theo quy định của Luật BHXH, NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH, BHYT, BHTN nên sẽ không đáp ứng được tiêu chí "đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021". "Hiện nay, đối tượng NLĐ cần hỗ trợ nhất chính là NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương nhưng không hiểu sao Nghị quyết lại bỏ sót" - ông Triều băn khoăn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Cơ khí Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng nếu đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9, tức là NLĐ vẫn còn làm việc hoặc ngừng việc nhưng vẫn được doanh nghiệp (DN) trả lương, tham gia BHXH, BHTN. Như vậy, so với những NLĐ đang tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương họ ít khó khăn hơn vì vẫn có thu nhập. "Tôi nghĩ nếu phải siết đối tượng hưởng thì nên dành khoản tiền đó ưu tiên hỗ trợ cho những NLĐ đang bị mất việc, tạm hoãn HĐLĐ, sau mới tới các đối tượng khác" - ông Hùng bày tỏ.
Phải công bằng đóng - hưởng
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina (có 35.000 CN, KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai), đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng quá lớn đến DN và NLĐ nên việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN là rất kịp thời, cần thiết và có tính nhân văn. Tuy nhiên, đáng tiếc là Nghị quyết 116 đã bỏ sót nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là NLĐ đang tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.
Ông Phúc cho biết riêng công ty có khoảng 35.000 lao động phải ngừng việc, còn toàn tỉnh Đồng Nai, từ ngày 15-7 đến nay, chỉ có khoảng 140.000/1 triệu NLĐ làm việc "3 tại chỗ". Nếu áp dụng đúng quy định của Nghị quyết 116 thì số NLĐ không được hưởng chính sách sẽ rất lớn. Vì vậy, ông Phúc đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng là NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương vào đối tượng hưởng.
BHXH TP HCM cho hay tính đến thời điểm này BHXH TP đã xác nhận cho 427.922 NLĐ tại 25.425 đơn vị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương. Đây là số NLĐ có khả năng không được hỗ trợ theo Nghị quyết 116. Trong số này có gần 10.000 lao động của Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM). Chứng kiến cuộc sống khó khăn của CN trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương vì dịch, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn, khá bất ngờ trước khả năng NLĐ không được hưởng hỗ trợ. Ông An cho biết để CN bớt khó khăn, thời gian qua, công ty đã làm thủ tục đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhưng chưa ai được nhận, do vậy, họ rất quan tâm đến gói hỗ trợ từ kết dư Quỹ BHTN. "30.000 tỉ đồng trích từ kết dư Quỹ BHTN có phần đóng góp của NLĐ. Do vậy, tôi đề nghị nên xem xét sửa đổi Nghị quyết sao cho bảo đảm tính công bằng trong đóng - hưởng" - ông An góp ý.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - cho biết trên địa bàn quận có 98/136 DN có trên 30 lao động tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện tạm hoãn HĐLĐ, cho nghỉ không hưởng lương với 19.039 NLĐ. Đa số NLĐ tạm ngừng việc đều là CN dân ngoại tỉnh, ở trọ và nhiều tháng qua không có thu nhập nên đời sống vô cùng khó khăn. "Tôi mong cơ quan chức năng sẽ lưu tâm vấn đề này nhằm bảo đảm tính hợp lý của chính sách, chia sẻ khó khăn với NLĐ có tham gia BHTN" - ông Hải kiến nghị.
Ngày 4-10, BHXH TP HCM cho biết đến nay tại TP HCM đã có 1.540 NLĐ ở 93 đơn vị, DN được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 của Chính phủ với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hơn 81.600 đơn vị, DN (khoảng 1,67 triệu lao động) đã được giảm mức đóng vào Quỹ BHTN từ 1% xuống bằng 0%, với số tiền gần 1.837 tỉ đồng.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước đã có 3.918 lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN với tổng số tiền hơn 11,3 tỉ đồng; có 288.616 đơn vị (hơn 8 triệu lao động) được giảm mức đóng vào Quỹ BHTN với số tiền hơn 6.739 tỉ đồng. Dự kiến sẽ có khoảng 13 triệu lao động và 386.000 đơn vị sử dụng trong cả nước được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP với tổng số tiền khoảng 38.000 tỉ đồng.
M.Chi
Bình luận (0)