Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM mới đây, đại diện nhiều DN đã đặt câu hỏi: "Khi nào người lao động (NLĐ) mới nhận được tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP?".
Không biết "kêu" ai
Bà Phạm Thị Hoàng Thắm, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM), cho hay do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ tháng 8-2021, công ty phải tạm ngưng hoạt động, cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) và nghỉ việc không hưởng lương.
Hàng chục ngàn lao động tại TP HCM vẫn đang trông ngóng tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ
Để NLĐ được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP (3.710.000 đồng/người), tháng 12-2021, công ty đã hoàn tất các thủ tục đề nghị hỗ trợ. Ngày 28-2-2022, UBND huyện Bình Chánh đã ra Quyết định phê duyệt danh sách 283 NLĐ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa NLĐ được nhận. "Ngày nào NLĐ cũng thắc mắc khi nào sẽ có tiền nhưng chúng tôi không thể trả lời. Công ty cũng đã nhiều lần hỏi Phòng LĐ-TB-XH huyện về thời điểm chi hỗ trợ thì được trả lời đang chờ kinh phí. Chúng tôi muốn biết chính xác phải chờ bao lâu nữa để phản hồi cho NLĐ" - bà Thắm mong mỏi.
Nhiều DN tại huyện Củ Chi, TP HCM cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đại diện Công ty TNHH SX-TM Cao Hoa cho biết do NLĐ không đăng ký làm việc "3 tại chỗ" nên DN tạm hoãn HĐLĐ với 482 NLĐ từ ngày 15-7 đến 9-10-2021. Công ty đã làm thủ tục đề nghị cho NLĐ hưởng gói hỗ trợ và đã được UBND huyện Củ Chi phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu. Tại Công ty TNHH Việt Nam Samho khoảng 8.000 NLĐ cũng đang chờ hưởng khoản tiền chênh lệch giữa Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND.
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết đa phần số lao động trên đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND, với mức 1,8 triệu đồng/người. Cuối năm 2021, công ty tiếp tục làm hồ sơ đề nghị cho NLĐ hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, nghĩa là mỗi NLĐ sẽ nhận thêm 1.910.000 đồng tiền chênh lệch giữa 2 chính sách nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại quận Bình Tân vẫn còn hơn 6.000 NLĐ chưa được hưởng chính sách này; huyện Bình Chánh có khoảng 15.000 NLĐ. Cá biệt, tại huyện Củ Chi, 100% DN được duyệt hưởng vẫn chưa có NLĐ nào được nhận tiền.
Chờ giải ngân?
Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68), ngoài mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người, NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Song nhiều DN phản ánh NLĐ vẫn đang bị "treo" khoản tiền này. Điển hình như tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), hiện vẫn còn khoảng 8.000 CN mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chưa được nhận khoản hỗ trợ nói trên.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Củ Chi, cho biết khi Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành, do gặp vướng mắc về thủ tục nên đa số DN chuyển sang làm thủ tục hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND và đã được chi tiền. Sau khi Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP được ban hành, các vướng mắc được gỡ, DN tiếp tục làm hồ sơ đề nghị cấp bù 1.910.000 đồng.
Qua xét duyệt, có 48.000 NLĐ tại 349 DN được UBND huyện ra quyết định chi hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 103 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có NLĐ nào được chi vì huyện không còn kinh phí. "Phòng LĐ-TB-XH đã nhiều lần tham mưu UBND huyện kiến nghị lên UBND TP HCM để sớm có kinh phí chi trả cho NLĐ, nhưng đến nay ngân sách vẫn chưa chuyển về" - bà Tuyết cho hay.
Cần câu trả lời xác đáng
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, căn cứ Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh, thành ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
"Nghị quyết 68/NQ-CP là chính sách kịp thời, nhân văn, thiết thực. Khoản trợ cấp 26.000 tỉ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho NLĐ và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ. Việc còn hàng chục ngàn NLĐ tại TP HCM chưa được chi hỗ trợ cần có câu trả lời xác đáng từ các cơ quan chức năng" - luật sư Trần Hữu Tín nêu quan điểm.
Bình luận (0)