Trong hai ngày 6 và 7-9, tại Bình Dương, UBND tỉnh và Ủy ban Về các vấn đề xã hội (VCVĐXH) của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi một số điều của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) và dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội. Đại diện hơn 30 doanh nghiệp (DN) tham dự đều bày tỏ bức xúc về BLLĐ hiện hành: Còn nhiều điểm bất hợp lý, gây khó khăn cho người sử dụng lao động (NSDLĐ). Những bức xúc này cũng tập trung vào ba nhóm vấn đề Ủy ban VCVĐXH của Quốc hội nhìn nhận phải cấp bách sửa đổi là trợ cấp thôi việc- mất việc; lương-thưởng và thời giờ làm việc; quyền và trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động.
Trợ cấp thôi việc ít hơn và không công bằng
Theo điều 17 của dự thảo, DN không còn trách nhiệm “đào tạo lại” người lao động (NLĐ) trong trường hợp DN thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ; thay vào đó NLĐ chỉ được trợ cấp thôi việc (TCTV) và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm thất nghiệp chưa hình thành, còn mức TCTV, theo ông Nguyễn Văn Tân, Công ty Cao su Phước Hòa, lại khắt khe và không hợp lý. Ông dẫn chứng dự thảo một số trường hợp NLĐ chỉ được TCTV mỗi năm làm việc nửa tháng lương nhưng khống chế nhiều nhất không quá 3 tháng lương. Người làm việc 20 năm cũng được nhận trợ cấp như người làm việc 6 năm, không sòng phẳng với NLĐ.
Nhiều đại diện DN tiếp tục nêu băn khoăn xung quanh khái niệm “bất khả kháng”. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hằng: Bất khả kháng là do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do khác mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục mà không khắc phục được; không nên vì năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh kém mà quy về bất khả kháng để bớt xén quyền lợi NLĐ.
Thưởng theo “điều kiện của DN”, làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm
Ông Trần Hữu Phước, Công ty Sứ vệ sinh Mỹ Phú, hoan nghênh điều 64 sửa đổi: Thay cụm từ “NSDLĐ có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho NLĐ” bằng “tùy theo điều kiện, có thể thưởng cho NLĐ căn cứ vào mức độ đóng góp của từng người”. Ông Phước cho rằng quy định như trên là linh hoạt, phù hợp thực tế và tôn trọng quyền chủ động của DN, song ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thưởng cuối năm cho NLĐ, cách tốt nhất là DN nên có thưởng vì dù ít hay nhiều, khen thưởng góp phần tạo ra động lực.
Ý kiến chung đều tán thành điều 69 dự thảo: “NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không được quá 4 giờ/ngày và 200 giờ/năm; trường hợp đặc biệt cũng không quá 300 giờ do Chính phủ quy định”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Công ty Duy Hưng, nêu thực trạng của DN ngành da giày, dệt may: “Lúc có hàng nhiều, CN “than”, lúc thiếu hàng CN “rên”; người muốn tăng ca, kẻ muốn về nhà. Cách tốt nhất là nên thỏa thuận với đại diện NLĐ thay vì với từng NLĐ; thời gian làm thêm quá giờ quy định nên được trả phụ trội lũy tiến để tương xứng công sức NLĐ bỏ ra”.
Thêm hình thức kỷ luật “kéo dài thời hạn nâng lương” hoặc “cách chức”
Do hình thức kỷ luật chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng thiếu khả thi (DN buộc phải tuyển người mới; hết hạn kỷ luật phải chấm dứt hợp đồng; nếu chuyển người bộ phận khác về đảm trách thì không cùng công việc, mức lương, lại là vi phạm hợp đồng lao động; với cán bộ quản lý lại phải bổ nhiệm mới) nên dự thảo sửa đổi thành “kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng hoặc cách chức”.
Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh điều 38 của dự thảo khi bổ sung trường hợp NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ “tự ý bỏ việc 3 ngày cộng dồn trong một tháng mà không có lý do chính đáng”. Bà Lê Thanh Xuân, Trưởng Phòng Lao động- Tiền lương, Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho rằng như vậy mới thắt chặt kỷ luật lao động. Bà đơn cử trường hợp DN đã sa thải NLĐ chỉ vì hành vi hút thuốc (vi phạm lần đầu) vì đem đến nguy hại cho công ty. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thân, Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH của Quốc hội, nói DN chưa có nội quy lao động và nội quy chưa được phê duyệt, nội quy chưa cụ thể hóa hành vi đó thì sa thải là nặng tay, tàn nhẫn với NLĐ. Đa số ý kiến đều nhìn nhận, quy định “3 ngày cộng dồn” là quá đáng, không gần với thực tế công việc- đời sống NLĐ và không trả TCTV là nghiệt ngã; dự báo sẽ tạo ra tiền lệ hàng loạt NLĐ bị sa thải vì lý do này.
Ông Bùi Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH của Quốc hội, cho biết đây là những ý kiến khá tập trung để ban soạn thảo lưu ý điều chỉnh, dự kiến ngay trong năm 2001, dự thảo sửa đổi BLLĐ sẽ được Quốc hội thông qua.
Bình luận (0)