Tại Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại đồng bằng sông Cửu Long năm 2013, chiếc máy vét bùn do lão nông Cao Văn Tám (55 tuổi; ngụ tại ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) chế tạo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của quan khách. Được chế tạo từ dàn máy xới tay chạy bằng máy Honda, sản phẩm do ông Tám thực hiện với những tính năng đặc biệt đã đoạt giải ba “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật” năm 2011 do LĐLĐ TP Cần Thơ tổ chức.
Tay ngang sáng chế
Người dân trong vùng quen gọi ông Tám là ông Tám Cao. Nụ cười hiền lành cùng cách tiếp chuyện chân tình rặt “Hai Lúa” của ông dễ gây thiện cảm với người đối diện. Gạt những giọt mồ hôi trên trán bằng bàn tay lấm lem dầu mỡ, dõi mắt về hướng chiếc máy vét bùn đang được lắp ráp dang dở, ông Tám tự hào: “Đây là chiếc máy do tui mày mò nghiên cứu, lắp ráp. Từ khi nó xuất hiện, nông dân quanh vùng mê lắm, nhiều người đến thuê hoặc đặt mua”.
Nhà nghèo nên vừa mới học xong chương trình lớp 2 thì ông phải bỏ ngang để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hàng chục năm một nắng hai sương ngoài đồng, ông Tám thấu hiểu nỗi cơ cực của nông dân trong việc đồng áng, nhất là lúc vét bùn. Đó cũng là lý do ông quyết tâm bắt tay vào việc chế tạo máy vét bùn. “Tại sao không chế tạo một chiếc máy có thể thay thế sức lao động con người?” - ông Tám tự hỏi. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến thực hiện là một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm với vô vàn khó khăn. Chỉ tay về những tấm bằng sáng chế treo đầy trên vách nhà, ông Tám cười khà khà: “Nói thiệt, tui mù tịt về cơ khí, cứ nghĩ sao thì làm vậy, khi nào máy chạy được mới thôi!”.
Số vốn đầu tư quá ít ỏi, chỉ khoảng 15 triệu đồng khiến ông phải xoay xở đủ cách để tiết kiệm chi phí. Trên cơ sở dàn máy xới tay, ông Tám phác thảo bản vẽ máy vét bùn, sau đó tự mua sắt và thuê thợ về hàn các chi tiết. Để tiết kiệm chi phí, ông chịu khó quan sát thợ làm và dần dà tự tay thực hiện các công đoạn khó. Do không có kinh nghiệm về cơ khí, chủ yếu tự mày mò nên không dưới 10 lần, chiếc máy vét bùn của ông thử nghiệm thất bại. Khó khăn chất chồng song ông vẫn không nản lòng. Hơn một năm trời ròng rã cặm cụi thực hiện ý tưởng của mình, giữa năm 2009, chiếc máy vét bùn lần đầu tiên chạy thử nghiệm thành công trước sự thán phục của bà con trong vùng.
Phần thưởng cho sự kiên trì
Chiếc máy vét bùn rãnh nước ruộng thực tế được cải tiến từ dàn máy xới tay chạy bằng đầu máy Honda. Ông Tám cho biết thành phần của máy chủ yếu bao gồm: hộp số, động cơ, đầu hút, bánh dẫn sau, bánh bội. Lúc thử nghiệm, do công suất máy Honda quá yếu (chạy 100 m tới/giờ) nên ông Tám buộc phải thay thế bằng động cơ khác, nhờ vậy máy hoạt động tốt hơn.
Chiếc máy vét bùn của ông Tám chế tạo không quá cồng kềnh lại dễ điều khiển, khả năng vét rãnh đường nước rộng từ 2,5 đến 3 tấc, khoang sâu đến 5 tấc. Tùy theo từng loại đất canh tác, máy có thể hoạt động với công suất từ 400-600 m tới/giờ/lít dầu, hiệu quả gấp 10 lần nhân công. Ưu điểm khác của máy là hệ thống vận hành. Với lực hút mạnh, hộp số cải tiến chạy được đến 5 số nên chiếc máy của ông Tám vừa có thể gạt đất qua hai bên vừa có thể chạy tốt trên hầu hết địa hình. “Ban đầu, khi mới phác thảo ý tưởng, tui chỉ mong chiếc máy của mình có thể thay thế cho sức của 4 nhân công, nào ngờ khi thử nghiệm thành công, cho chạy vét bùn trên đồng, nó lại cho năng suất vượt ngoài mong đợi” - ông Tám chia sẻ. Thành công mới nhất của ông Tám là nâng cấp năng suất máy gấp 3 lần so với trước.
Hiện tại, ngoài việc cho bà con trong vùng thuê máy, ông Tám còn lắp ráp và chế tạo theo đơn đặt hàng. Bốn năm qua, ông đã lắp ráp và bán được 42 chiếc máy, riêng năm 2014 là 17 chiếc. Trung bình mỗi máy có giá dao động từ 25 triệu đến 30 triệu đồng. Do máy dễ vận hành và dễ sửa chữa nên rất được bà con nông dân ở các địa phương ĐBSCL ưa chuộng. Ông Tám đang ấp ủ mở một cửa hàng trưng bày máy tại TP Cần Thơ để thuận tiện cho bà con nông dân đến xem cũng như liên hệ đặt mua, bảo trì, bảo hành máy.
“Dù tuổi đã cao nhưng tinh thần đam mê sáng tạo của ông Tám rất đáng khâm phục. Chiếc máy do ông chế tạo không chỉ giúp nông dân tiết kiệm công lao động mà còn tăng hiệu quả canh tác” - ông Trịnh Minh Luân, Phó Chủ tịch xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nhận xét.
Bình luận (0)