Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%).
Liên quan đến vấn đề này, Báo Người Lao Động đã có bài viết "Hạn chế rút BHXH một lần: Ai hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền của công nhân?" và nhận được nhiều ý kiế phản hồi tích cực của bạn đọc. Một bạn đọc tên Minh bày tỏ: "Bài viết lột tả được những vấn đề bất cập về BHXH. Tiền của người dân thì hãy để họ tự quyết định. Rõ ràng là sống hôm nay không biết chuyện ngày mai". Tương tự, một bạn tên Công góp ý: "Phải nhìn thẳng thực tế tại sao lại rút một lần 1. Mất việc không có thu nhập để sống. 2. Thời gian chờ để lĩnh được lương hưu quá dài tận 60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam. 3. Trong thời gian chờ đợi được lương hưu nếu không đóng tiếp BHXH thì mỗi năm lại bị trừ 2%, khi đến tuổi lĩnh lương hưu thì số tiền BHXH đã đóng kia bị trừ gần hết thậm chí âm luôn". Bạn đọc này cũng đưa ra ví dụ: "Bây giờ làm bài toán Người lao động nữ 40 tuổi bắt đầu đóng BHXH đến 60 tuổi là đủ 20 năm BHXH, nghỉ hưu được lĩnh 45% lương ngay. Lao động nữ bắt đầu đóng BHXH từ 20 tuổi đến 40 tuổi đủ 20 năm BHXH nhưng không được lĩnh lương hưu mà phải chờ đến 60 tuổi, thời gian chờ là 20 năm, mỗi năm 2% trong 20 năm chờ mất đi 40%, đến 60 tuổi còn được 5% lương hưu. Cùng đóng BHXH 20 năm nhưng một người thì được lương hưu 45%, một người thì chờ 20 năm để lĩnh được 5% vậy thì ai sẽ chờ?.
Theo nhiều bạn đọc, từ những bất cập nêu trên, để người lao động không rút một lần thì khi đóng đủ mức BHXH có lương hưu thì được lĩnh ngay lương hưu nếu như không có khả năng đóng tiếp. "Chờ mà không bị mất tiền còn không mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ, đằng này chờ mà lại bị mất tiền thì chả có ai chờ đâu. Nên nhớ là để hưởng lợi BHXH thì phải sống tới già, mà trước khi tới già thì phải sống trẻ trước đã, khi mà cái bụng đang đói, tiền không có ăn thì chà ai có thời gian nghỉ thiệt hơn....đến khi già"- một bạn đọc góp ý. Nhiều ý kiến đề xuất nên có 2 phương án: 1.Bảo đảm được việc làm cho người lao động đến 60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam. 2.Đóng BHXH đủ số năm quy định là được lĩnh lương hưu.
Một bạn đọc tên Võ Phi bình luận: "Tôi thấy biết bao nhiêu bài đăng và hầu hết là những ý kiến không ủng hộ việc tăng tuổi hưu, không cho rút một lần, điều chỉnh luật BHXH... Và đây là tiếng nói đại đa số người lao động tham gia BHXH. Họ cần được tôn trọng quan điểm của mình. Nhưng tại sao các nhà làm luật lại phớt lờ ý kiến của người lao động? Chỉ khi nào người làm luật rơi vào cảnh ngộ của người lao động thì mới hiểu được suy nghĩ chính đáng của người lao động". Đồng quan điểm, bạn đọc Cường Phạm cũng cho rằng vấn đề người lao động quan tâm và cần nhất thì lại né tránh không đề cập là giảm tuổi nghỉ hưu phù hợp với lao động chân tay hay nặng nhọc.
Bạn đọc Nguyễn Trung phân tích: "Vấn đề ở đây là khi người lao động đã bước sang tuổi 40 50 rất khó xin việc làm một khi đã mất việc không thể kiếm việc khác để tiếp tục đóng BHXH trong khi mỗi ngày phải lo cơm áo gạo tiền thì ai mà dám mơ có lương hưu chứ". Bạn đọc tên Hiểu bày tỏ: "Ai cũng vì cơm áo gạo tiền cả thôi, khi ở bất cứ ngành nghề nào, nhưng mà làm công nhân hết sức vất vả, nào là vì đủ thứ khoản kể cả từ tiền rác cho đến nuôi con như bao người khác. Họ cảm thấy không còn chỗ nào bấu víu vào đâu được khi thất nghiệp, thì đành rút thôi. Đấy là số tiền của họ mà, phải cứu lấy cái bụng khi nó đói, đơn giản vậy thôi".
Với bạn đọc Đỗ Đức Hiếu, thay đổi luật BHXH như thế nào đó mà người lao động chỉ muốn lĩnh lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu thì hãy thay, chứ còn thay đổi vì sợ vỡ quỹ BHXH chứ không phải vì người lao động thì nên giữ như cũ. Bạn đọc tên Lương góp ý: "Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là quy định tuổi nghỉ hưu trong bộ luật lao động chưa hợp lý với từng loại đối tượng lao động, ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại cao. Quy định một độ tuổi chung cho mọi đối tượng trong nền kinh tế mở này rất chưa phù hợp. Người làm luật hãy đặt địa vị mình vào người lao động thì sẽ hiểu, đừng theo nước khác vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có đặc điểm riêng".
Bình luận (0)