Mỗi tháng chỉ được ứng 1,5 - 2 triệu đồng
Anh Lê Trọng Tuệ (53 tuổi) - thợ bậc 7/7, tổ trưởng Tổ gia công thuộc phân xưởng vỏ của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng - cho biết: Tôi làm việc tại công ty đã 23 năm, rất gắn bó với nhà máy và mong muốn làm việc tại đây cho đến ngày nghỉ hưu. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, do bị công ty nợ lương, cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn. Từ tháng 2.2018, tôi chỉ được công ty ứng lương từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Tháng 5 - 6.2019 vẫn chưa có lương. Do đó, ngoài giờ làm chính tại nhà máy, tôi phải tranh thủ làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Theo anh Tuệ, những công nhân bậc thấp hơn thì mức lương được ứng cũng rất thấp, có người chỉ được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Phân xưởng vỏ có rất nhiều người phải chấm dứt hợp đồng lao động từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa chốt được sổ BHXH vì công ty nợ BHXH nhiều năm nên không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và các chính sách khác. Một số người khác xin nghỉ không lương để ra ngoài làm, số còn lại chia nhau làm việc cầm chừng vì nhà máy thiếu việc.
Những phương tiện lớn tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng hiện nằm im không hoạt động. Ảnh: HH
Anh Nguyễn Văn Đ - một kỹ sư của nhà máy - cho hay: Anh làm việc tại công ty đóng tàu Bạch Đằng cũng hơn 20 năm. Cả hai vợ chồng làm cùng nhà máy. Nhưng từ khi ngành đóng tàu gặp khó khăn, vợ anh đã phải ra ngoài làm công nhân trong KCN, riêng anh trụ lại cho đến nay. Nhưng hiện tại, sau 15 tháng bị nợ lương, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Để nuôi hai con nhỏ ăn học, hai vợ chồng anh thay nhau giao thêm hàng để tăng thu nhập.
Nhà máy hoạt động cầm chừng
Ông Trương Hoàng Cao - Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Bạch Đằng - thừa nhận: Do gặp khó khăn nên công ty nợ lương của người lao động (NLĐ) từ tháng 2.2018. Theo ông Cao, việc nợ lương là do khó khăn chung của ngành đóng tàu. Nguyên nhân khách quan khác là do TP. Hải Phòng xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ (từ năm 2016), nên từ đó, những tàu có tải trọng từ 3.000 tấn trở lên không lưu thông qua cầu để đến nhà máy được, dẫn đến hai đơn hàng đóng mới tàu trước đó của công ty không thực hiện được.
Thêm vào đó, khu đô thị mới xây dựng cạnh nhà máy đóng tàu Bạch Đằng về phía thượng lưu sông Cấm đã san lấp một phần lòng sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ thủy diện cần có cho hoạt động đóng tàu của nhà máy. Mỗi lần nhà máy muốn sửa chữa tàu phải đưa ụ nổi ra giữa lòng sông mới đủ độ sâu cho tàu lên đốc. “Việc đưa ụ nổi ra giữa luồng tàu đi lại làm tăng chi phí và không đảm bảo an toàn. Nếu muốn nạo vét để sản xuất an toàn và đúng thiết kế ban đầu phải mất từ 7 - 10 tỉ đồng, trong khi điều kiện công ty hiện tại là không thể thực hiện được” - ông Cao nói.
Theo ông Cao, công ty đã có báo cáo gửi UBND TP. Hải Phòng và Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị hỗ trợ kinh phí để công ty di dời một số phương tiện lớn như tàu 17.500 DWT, ụ nổi 4.200 tấn... ra khỏi nhà máy trước khi hợp long cầu Hoàng Văn Thụ, nhưng cũng không được giải quyết, nên những phương tiện đó vẫn nằm im trong khuôn viên công ty.
Do các điều kiện khách quan như vậy, nên các hợp đồng đóng mới của công ty đóng tàu Bạch Đằng với các đối tác phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, CN không có việc làm, thu nhập giảm sút. Các chế độ chính sách của NLĐ không đảm bảo, tư tưởng của cán bộ CNVC-LĐ xao động, nhiều công nhân có tay nghề cao đã xin chấm dứt hợp đồng lao động.
Ông Cao cho biết, sau khi NLĐ có kiến nghị, công ty cũng đã có buổi đối thoại với công nhân. “Chúng tôi đang cố gắng để chốt BHXH cho NLĐ trong thời gian tới, đồng thời sẽ có phương án tái cơ cấu, thanh toán tiền lương theo lộ trình từ một số nguồn thu” - ông Cao nói.
Được biết, thời kỳ thịnh vượng, Công ty đóng tàu Bạch Đằng có gần 2.000 lao động, với những hợp đồng đóng tàu lớn, là “anh cả” trong ngành đóng tàu cả nước.
Bình luận (0)