Hôm qua xuống xưởng, nhìn không khí làm việc phấn chấn của anh em công nhân, mình thấy sảng khoái vô cùng.Cứ đà này thì sợ gì không kịp tiến độ giao hàng. Nghe mình kể, con gái cười bảo: “Ba thấy chưa?”. Tất nhiên là thấy rồi.
Còn nhớ đầu năm, công ty quyết định “Năm nay chúng ta không nghỉ mát vì lịch sản xuất rất nghiêm ngặt. Thay vào đó, công ty sẽ chi tiền cho người lao động tự tổ chức nghỉ ngơi cùng gia đình”. Nội dung ấy trong văn bản đưa xuống cho công nhân đã bị phản đối gần như trăm phần trăm. Anh em lý giải là vì đã quen năm nào cũng đi chơi chung do công ty tổ chức nên muốn nền nếp ấy vẫn được duy trì. Họ còn bảo đó là một trong những nét làm nên “văn hóa công ty”, không nên hủy bỏ. Có ý kiến cho rằng nếu không đi chơi xa, dài ngày được thì tổ chức đi gần, 1-2 ngày cũng được...
Thoạt đầu, mình rất bực bội khi thấy những ý kiến không đồng tình chiếm đa số áp đảo. Mình nghĩ công nhân chỉ thích vui chơi chứ chẳng nghĩ gì đến lợi ích của công ty. Tìm được khách hàng đã khó, giữ được khách hàng để có công ăn việc làm cho công nhân càng khó hơn. Ấy vậy mà anh em chẳng chịu hiểu và thông cảm với khó khăn của công ty, lúc nào cũng muốn được cái này, được cái kia mà chẳng hề biết công ty sẽ gánh chịu thiệt hại thế nào nếu không giao hàng đúng hẹn.
“Anh em cũng có lý của họ. Nếu không đi Đà Lạt, Nha Trang thì chúng ta tổ chức đi Vũng Tàu, Long Hải hay Cần Giờ cũng được. Điều quan trọng là anh em vui, thoải mái tinh thần, làm việc sẽ tốt hơn”. Chủ tịch Công đoàn nói vậy nhưng mình nghĩ anh ta lúc nào cũng “theo phe” công nhân nên ý kiến không khách quan. Thế nhưng, khi cô con gái rượu của mình bảo rằng hãy lấy ý kiến công nhân về việc làm bù ngày chủ nhật liên tục trong 2 tuần để có thời gian đi chơi thì mình đồng ý ngay. Thật bất ngờ, khi “trưng cầu ý kiến” công nhân thì ai cũng vui vẻ đồng ý. Hóa ra mình cũng có chủ quan trong quản lý, điều hành.
Cuối cùng, công nhân vẫn được đi chơi, công ty vẫn bảo đảm lịch giao hàng. Bài học cho mình trong việc này là nên tỉnh táo, khách quan, những việc liên quan đến công nhân thì hãy để họ có tiếng nói, sau này họ sẽ chịu trách nhiệm. Từ nay, mình sẽ lưu ý điều này, nếu không lại bị con gái phê bình là chủ quan, độc đoán, không đặt mình vào vị trí người lao động để quản lý, điều hành...
Bình luận (0)