Nhắc đến anh Nguyễn Kim Khương, hầu hết nhân viên Chi nhánh CEP quận 6, TP HCM (thuộc Tổ chức Tài chính vi mô CEP) đều dành cho chàng trai sinh năm 1994 này tình cảm trân quý. Dù mới chân ướt chân ráo đến với CEP nhưng tinh thần làm việc hết mình cùng với sự hy sinh vì gia đình của Khương khiến đồng nghiệp nể phục.
Công việc vất vả, nhiều rủi ro
Khương lớn lên trong một gia đình khó khăn. Cha bị liệt tủy sống, không thể làm việc từ khi anh em Khương còn nhỏ, mọi gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của mẹ. Do đó, từ nhỏ, Khương đã luôn ý thức học hành để sau này trở thành điểm tựa cho mẹ.
Ngày nhận được giấy báo trúng truyển ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Khương cứ trằn trọc suy nghĩ cách kiếm tiền để đóng học phí và đến TP sống tự lập để không trở thành gánh nặng cho mẹ. Hai tháng trước khi vào TP HCM, Khương đã làm mọi việc để kiếm chi phí nhập học.
Đóng học phí xong, trong tay chàng sinh viên trẻ chỉ còn đúng 400.000 đồng. Để mẹ không phải lo lắng về mình, Khương làm đủ thứ việc kiếm tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Từ phục vụ nhà hàng, bốc vác, làm gia sư đến bán kẹo kéo, hát rong ngoài đường phố…, bất kể công việc nào có thể kiếm tiền một cách chân chính, Khương đều không từ chối.
Cuộc sống nơi đất khách vừa tạm ổn thì Khương lại hay tin mẹ bị thoái hóa cột sống phải phẫu thuật. "Đó là khoảng thời gian gian nan nhất với tôi. Vừa lo việc học hành vừa lo cho gia đình, tôi chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là phải làm việc gấp đôi, gấp ba người khác để có chi phí giúp mẹ chữa trị và cho em trai ăn học. Cũng may, mẹ tôi vượt qua được bệnh tật, dù không làm việc được nữa nhưng chỉ cần cha mẹ còn ở bên cạnh, tôi sẽ luôn cố gắng gánh vác" - anh bày tỏ.
Khương cho biết chính quãng thời gian khốn khó ấy đã rèn cho anh sự nhẫn nại, biết cảm thông với những cảnh đời nghèo khổ. Vì vậy, nghe một đồng nghiệp ở ngân hàng nơi mình thực tập kể về mô hình hoạt động của CEP, Khương rất hứng thú và nộp đơn dự tuyển dù lúc ấy có đến 3 ngân hàng lớn đồng ý nhận anh vào làm việc.
Anh Nguyễn Kim Khương, nhân viên Chi nhánh CEP quận 6, thể hiện tài năng tại ngày hội truyền thống kỷ niệm 27 năm thành lập CEP
Khương tiết lộ: "Tôi đến CEP làm việc với mong muốn áp dụng kiến thức đã học, đặc biệt là giúp đỡ người nghèo. Hơn 2 năm gắn bó với CEP, tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình". Khương kể công việc của nhân viên tài chính CEP rất vất vả, thậm chí phải đối mặt nhiều rủi ro. Không ít lần trong lúc đi thu nợ, anh chạm mặt các nhóm cho vay nặng lãi. Khách hàng của CEP hầu hết là những người lao động khó khăn. Vì vậy, ngoài việc cho vay vốn, nhân viên CEP còn có trách nhiệm hỗ trợ, hướng nghiệp và đồng hành với họ.
Khương cho biết có trường hợp khách hàng vừa vay vốn của CEP vừa vay nặng lãi bên ngoài nên mất khả năng chi trả. Người này thậm chí có những lời lẽ không hay mỗi khi thấy anh. "Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tôi mới biết được chị ấy vay nợ khắp nơi để lo cho đứa con nuôi bệnh tật. Đứa bé do người khác gửi chị nuôi, mỗi tháng dù trả chi phí nhưng chẳng được bao lâu thì người thân của bé bặt vô âm tín. Thương đứa nhỏ, chị cố sức nuôi dưỡng và giúp cháu chữa trị. Hiểu hoàn cảnh của chị nên tôi thường lui tới giúp đỡ. Dần dà chị cũng cởi mở hơn, lo làm ăn và trả hết nợ. Chính những hoàn cảnh như thế giúp tôi gắn bó hơn với CEP" - anh tâm sự.
Duyên nợ với CEP
Chị Trịnh Thị Cẩm Hường, Chi nhánh CEP Đồng Tháp, cũng là một trường hợp vượt khó vươn lên điển hình trong tập thể nhân viên CEP. Nhắc đến chị, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh một nhân viên giỏi, mạnh mẽ, vượt qua bệnh tật để sống tốt.
Chị Hường sinh năm 1991 tại tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mẹ Hường vốn là thành viên của CEP, bản thân chị cũng sớm biết đến tổ chức này thông qua chương trình "Học bổng CEP". Năm 2009, nhờ học bổng của CEP mà chị mới có chi phí để thi đại học. Kể từ lúc ấy, chị đã đặt mục tiêu làm việc tại CEP. Ra trường, chị quyết định chọn CEP và nỗ lực làm thêm để có chi phí lên TP HCM thi tuyển. Vượt qua nhiều vòng thi, chị trúng tuyển. Đem tất cả nhiệt huyết dồn vào công việc, chỉ trong thời gian ngắn, chị đã nắm bắt kịp công việc và nhận địa bàn phụ trách chính thức.
Tuy nhiên, ngay lúc công việc thuận lợi thì chị Hường phát hiện mình bị u não. "Lúc ấy, tinh thần tôi dường như sụp đổ nhưng nhờ có mái nhà CEP, nhờ sự giúp đỡ của tất cả đồng nghiệp mà tôi đã tìm được cơ hội sống" - chị xúc động. Sau 6 tháng tạm nghỉ việc để chữa bệnh, chị Hường đã khỏe và trở lại với công việc mình yêu thích.
Sống vì cộng đồng
"Sau 27 năm thành lập, CEP vẫn luôn kiên trì mục tiêu phi lợi nhuận và đồng hành với người lao động nghèo. Không dừng lại ở đó, CEP luôn xây dựng môi trường làm việc thân thiện, một đội ngũ nhân viên trẻ, nhiệt huyết, biết sống vì cộng đồng. Kim Khương và Cẩm Hường chính là 2 trong số rất nhiều tấm gương nhân viên trẻ, vượt khó vươn lên để giúp đỡ cộng đồng trong gia đình CEP" - ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho biết.
Bình luận (0)