xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết lòng với học trò nghèo

Bài và ảnh: PHẠM CÔNG

Sự tận tâm của thầy Nguyễn Viết Đức và tinh thần hiếu học của học sinh đã giúp tiếng tăm ngôi trường nghèo ở tỉnh Hậu Giang bay xa

Khi tiếng ve râm ran báo hiệu một mùa hè nữa sắp đến thì cũng là lúc thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), mới rảnh rang chăm sóc khu vườn nhỏ sau nhà. Cách đây vài hôm, khi chia tay học sinh, thầy ân cần dặn dò các em: “Trong hè, mấy đứa phải dành thời gian ôn luyện kiến thức, gặp khó khăn gì thì cứ ghé nhà thầy”. Ở huyện Vị Thủy, thầy Đức được đồng nghiệp và bà con trong vùng nể trọng bởi lòng nhiệt tâm với nghề, đặc biệt là tấm lòng với học trò nghèo.

Đất lành giữ chân người

Là con cả trong một gia đình nghèo có 4 anh em ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nên từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Viết Đức đã mong ước sau này sẽ làm được việc gì đó để giúp đỡ cha mẹ. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp THPT, Đức thi vào ngành công an nhưng bị trượt do thiếu điểm. Cũng trong năm này, anh lên đường nhập ngũ và đóng quân ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Sau giờ lên lớp, thầy Đức trở về nhà lo việc chăn nuôi, làm vườn...
Sau giờ lên lớp, thầy Đức trở về nhà lo việc chăn nuôi, làm vườn...

Đặt chân đến vùng đất miền Tây, Đức cảm thấy mọi thứ đều xa lạ, mới mẻ. Sau hơn 1 năm nhập ngũ, trong một lần đi công tác tại TP Cần Thơ, anh được một người bạn rủ thi vào Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ. Ham vui nên Đức đánh liều nộp đơn thi, không ngờ lại đậu với số điểm khá cao ở ngành toán - tin học. Do vẫn còn tại ngũ nên anh làm đơn xin bảo lưu kết quả.

Xuất ngũ, Đức quyết định bám trụ lại đất Tây Đô để theo đuổi ước mơ nghề giáo. Ở nơi đất khách không người thân quen, anh phải tìm mọi cách để mưu sinh. Nhờ người quen giới thiệu, Đức xin vào làm công nhân bốc vác ở KCN Trà Nóc để kiếm tiền trang trải cho việc học hành. “Mì gói trở thành món ăn thường trực lúc đó nhưng tôi tự nhủ phải học thật tốt” - anh kể.

Khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng kết quả học tập của Đức rất cao. Tốt nghiệp, anh được phân công về Trường THCS Ngô Quốc Trị. Lúc đầu, thầy Đức được phân công dạy môn toán lớp 7 và 8. Có lúc, do số lượng học sinh tăng đột biến nên thầy phải kiêm luôn môn lý. Lo lắng và hồi hộp là cảm giác của thầy giáo trẻ Nguyễn Viết Đức khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng.

“Là người miền Trung, giọng nói hơi khó nghe nên khi đứng trước mặt học sinh miền Tây, tôi rất lo. Lo nhất là không biết học trò có nghe và hiểu được những gì mình truyền đạt hay không?” - anh tâm sự. Để giảm bớt áp lực này, thầy Đức phải nói thật chậm cho học sinh hiểu, dần dà mọi việc đã đi vào nền nếp.

Được học trò gọi là cha

Dù chủ yếu chỉ dạy môn toán nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Viết Đức vẫn say mê nghiên cứu tin học. Vì thế, đến năm 2004, thầy được phân công luyện thi tin học cho học sinh giỏi của trường. Nhắc đến thầy Đức, nhiều đồng nghiệp trong trường luôn đánh giá cao năng lực, đặc biệt là cách anh truyền lửa cho học sinh. Chỉ với những bộ máy vi tính cũ kỹ của trường, thầy Đức và học trò đã đạt được những thành tích rất đáng ngợi khen.

Khắc phục sự hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất của trường cũng như kỹ năng của học trò, với lòng nhiệt tâm, thầy Đức dày công truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các em. Mải mê ôn luyện, có hôm thầy trò quên cả ăn cơm. Cái tâm của thầy Đức và tinh thần hiếu học của học sinh đã giúp tiếng tăm ngôi trường nghèo Ngô Quốc Trị bay xa.

Với sự dìu dắt tận tình của thầy Đức, học sinh của trường liên tục được xướng tên ở các kỳ thi tin học cấp tỉnh và quốc gia. Tổng cộng, học sinh của trường đạt được 8 giải thưởng tin học cấp quốc gia và 32 giải cấp tỉnh trong các kỳ thi tin học trẻ. Thầy Đức cũng 3 lần vinh dự nhận được giải thưởng trong các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh.

Khi được hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong thời gian đứng trên bục giảng, giọng thầy Đức bỗng chùng xuống. Trong một lần lên lớp, phát hiện một học sinh nam không đeo khăn quàng trên cổ mà lại cột vào bên hông áo, ngỡ em này nghịch phá, thầy liền gọi lên hỏi lý do.

Khi học sinh này tháo chiếc khăn quàng ra, thầy ngỡ ngàng đến rơi nước mắt vì thấy chiếc áo em mặc bị rách một bên. Thầy trò cứ thế ôm nhau khóc... “Chiếc áo rách của trò ấy khiến tôi nhớ lại tuổi thơ đầy khốn khó ở quê nhà và tự dặn lòng phải giúp các em nhiều hơn” - thầy Đức tâm sự.

Ở cương vị là một chủ tịch Công đoàn, thầy Đức đã nhiều lần đứng ra vận động hỗ trợ tiền cho giáo viên và học sinh  có hoàn cảnh khó khăn. Tấm chân tình ấy của thầy khiến đồng nghiệp và phụ huynh rất cảm kích. Nhiều học sinh còn gọi thầy Đức là cha.

Những ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ của thầy Đức ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, luôn đầy ắp tiếng cười đùa của học sinh. “Tình cảm chân thật của người dân nơi đây khiến tôi có cảm giác như được ở nhà” - thầy bộc bạch.

“Ý chí phấn đấu, nhất là tinh thần vượt khó, khắc phục mọi trở ngại của thầy Đức rất đáng nể. Giỏi nghề và sống có trách nhiệm với học sinh, thầy Đức là tấm gương sáng để đồng nghiệp soi rọi và noi theo” - thầy Nguyễn Trí Vàng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quốc Trị, nhận xét.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo