xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết lòng với người nghèo

Bài và ảnh: DƯ LÂM

Dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ là cách mà bà Mai Thị Hồng trao “cần câu” cho người nghèo

Tháo vát, khéo tay và cởi mở là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với bà Mai Thị Hồng (48 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Cát Lái, quận 2, TP HCM) - một điển hình phụ nữ vượt khó thoát nghèo tại địa phương. Đã 21 giờ nhưng bà Hồng vẫn thoăn thoắt tra dây cước vào lỗ hạt. Cứ thế, từng sản phẩm dần hoàn thiện bởi đôi tay hết sức khéo léo của bà. “Những năm khốn khó, gian truân đã giúp tôi trân trọng và thêm gắn bó với nghề” - bà Hồng cho biết.

Có của ăn, của để nhờ kết cườm

Bà Hồng cho biết dù là dân gốc thành phố nhưng gia đình bà luôn trong diện xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trước khi đến với nghề kết cườm, bà từng làm phụ hồ, may, vẽ áo, móc len… Vất vả quanh năm nhưng vợ chồng bà nghèo vẫn hoàn nghèo, không có tiền nuôi 3 con ăn học.

Bà Mai Thị Hồng với một sản phẩm thú kết cườm vừa được hoàn thiện
Bà Mai Thị Hồng với một sản phẩm thú kết cườm vừa được hoàn thiện

Năm 2006, với mong muốn có một nghề trong tay để ổn định cuộc sống, bà Hồng tham gia một khóa học nghề kết cườm miễn phí tại quận 12, TP HCM. Khéo tay, chăm chỉ, bà nhanh chóng thạo nghề. Khi khóa học kết thúc, bà nhận hàng của một số cơ sở về gia công tại nhà để cải thiện thu nhập. Nhận thấy việc kết cườm phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện sức khỏe của bản thân nên bà quyết định gắn bó lâu dài với nghề. Từ suy nghĩ phải thoát nghèo một cách căn cơ, bà đã truyền lại nghề cho chồng và các con, lấy thêm hàng về làm.

Thời gian đầu, do chưa quen tay nên hàng làm ra không nhiều, vốn liếng ít lại phải bán qua trung gian nên thu nhập từ việc kết cườm chẳng giúp cải thiện được mấy cuộc sống gia đình. Không nản chí, vợ chồng bà động viên các con tranh thủ làm đêm, nhờ vậy cuộc sống dễ thở hơn. Nhờ chịu thương chịu khó, lại biết cách chăm sóc sản phẩm và luôn giao hàng đúng hạn nên bà Hồng được khách hàng tín nhiệm, đơn hàng cứ thế tới tấp đổ về.

Bà Hồng gọi kết cườm là nghề “không không” - không phân biệt giới tính, không độ tuổi và không cần trình độ. “Bất kỳ ai kiên trì theo đuổi cũng có thể kiếm sống bằng công việc đơn giản này. Để tạo ra sản phẩm đẹp, bền, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ đến từng chi tiết, kiên nhẫn và thêm một chút sáng tạo” - bà Hồng tiết lộ.

Ngoài những sản phẩm truyền thống như: giỏ xách, bóp, 12 con giáp, móc khóa…, bà Hồng còn nghĩ ra nhiều mẫu mã mới, độc đáo. Tận dụng nguyên vật liệu thừa, bà còn tự thiết kế mẫu hộp đựng bánh, mứt Tết, hộp khăn giấy… với nhiều kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. Chỉ sau 4 năm gắn bó với nghề, không chỉ sống khỏe, gia đình bà còn có của ăn, của để.

Điểm tựa tinh thần

Đã từng trải qua khốn khó nên bà Hồng luôn cảm thông với người nghèo, nhất là những cảnh đời thiếu may mắn.

Năm 2010, nhận thấy phần đông phụ nữ ở địa phương là lao động chính trong gia đình nhưng công việc và thu nhập không ổn định, bà mạnh dạn đề xuất chính quyền thành lập tổ kết cườm tạo việc làm tại chỗ cho họ. Ý tưởng của bà Hồng lập tức nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Bằng tất cả sự nhiệt thành với người nghèo, bà đã truyền đạt kinh nghiệm kết cườm đã tích lũy được trong gần chục năm cho họ. Đáp lại ân tình ấy, học trò của bà đều nỗ lực học và bám nghề.

“Có những chị phải đi làm và lo cho gia đình nhưng 22 giờ khuya vẫn sang nhà dì học. Học trò không ngại khó thì dì cũng không ngại khổ. Họ quyết chí học nghề để thoát nghèo thì mình không được phụ lòng họ” - bà Hồng bộc bạch. Sau vài tháng học việc, chị em phụ nữ ở địa phương, trong đó có rất nhiều người là sinh viên, được nhận hàng về gia công tại nhà, kiếm thêm 800.000 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho bà con lối xóm, từ năm 2010 đến nay, gia đình bà Hồng còn mở 28 lớp dạy nghề miễn phí cho 674 học viên, chủ yếu là lao động nghèo. Lớp học đặc biệt do bà Hồng thành lập đã trở thành nơi gắn kết tình thân, giúp nhiều người vượt qua nghịch cảnh.

Vợ chồng chị Lê Thị Phượng (ngụ khu phố 2, phường Cát Lái) là trường hợp điển hình. Do đều bị câm nên cả 2 vợ chồng chị không tìm được việc làm. Không có thu nhập nên gia đình họ thường xuyên rơi vào cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Thông cảm hoàn cảnh của họ, bà Hồng đến nhà vận động vợ chồng chị Phượng học nghề kết cườm để có việc làm ổn định. Dù bị chồng chị Phượng phản đối kịch liệt nhưng bà Hồng vẫn kiên nhẫn thuyết phục dạy nghề. Tấm chân tình ấy của bà cuối cùng cũng được đền đáp khi vợ chồng chị Phượng đã chí thú làm ăn và  sống hạnh phúc. Với họ, bà Hồng chính là điểm tựa tinh thần vững chắc. 

Vươn lên thoát nghèo một cách ngoạn mục và sống có tình, có nghĩa với người nghèo nên bà Hồng luôn được chính quyền và người dân địa phương quý trọng. “Từng nếm trải khó khăn, thiếu thốn nên tôi hết sức thông cảm với họ. Dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho bà con là niềm vui của vợ chồng tôi. Thương người như thể thương thân, ông bà mình đã dạy như vậy” - bà Hồng thổ lộ.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo