Sáng 12-7, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Triển khai mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động (NLĐ) của Công đoàn Việt Nam - Những kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức" với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là giám đốc, phó giám đốc các trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL), văn phòng TVPL và cán bộ phụ trách chính sách pháp luật LĐLĐ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đeo bám, hỗ trợ kịp thời
Theo thống kê của Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến năm 2020, Công đoàn các tỉnh, thành phố đã thành lập 13 trung tâm TVPL, 42 văn phòng TVPL, 26 tổ TVPL trên cả nước. Các trung tâm, văn phòng và tổ TVPL này đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hàng trăm ngàn lượt CNVC-LĐ mỗi năm, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn.
Trong số đó, Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã hoạt động rất hiệu quả. Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc trung tâm, cho biết tỉnh Đồng Nai tập trung đông NLĐ, tình hình quan hệ lao động phức tạp, nhu cầu hỗ trợ pháp lý từ phía NLĐ rất lớn. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 1993, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã thành lập Trung tâm TVPL. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên tâm huyết, lăn xả, kiên trì đeo bám đến cùng từng vụ việc, trung tâm đã giúp rất nhiều NLĐ đòi được quyền lợi.
Tiêu biểu là vụ ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines) kiện Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Steel Việt Nam (TP Biên Hòa) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vụ kiện kéo dài gần 10 năm với rất nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên trì, các luật sư của trung tâm đã luôn sát cánh cùng ông Pablo Rosario Rostata, vừa phiên dịch vừa giúp ông tranh luận tại tòa. "Quả ngọt" cho quá trình dài ấy là trung tâm đã giúp NLĐ đòi được số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.
Giải đáp pháp luật cho người lao động trong chương trình “Giờ thứ 9” do LĐLĐ quận 11, TP HCM tổ chức
Ông Vũ Ngọc Hà cũng cho biết thêm 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn và tìm nhiều cách để sa thải NLĐ. Để bảo vệ NLĐ, 2 năm qua, trung tâm đã luôn sát cánh và hỗ trợ trên 100 NLĐ đòi được quyền lợi.
Cũng với phương châm không chờ NLĐ tìm đến mình, Trung tâm TVPL LĐLĐ TP HCM đã xây dựng hệ thống "chân rết" gồm 30 tổ TVPL khắp thành phố để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho NLĐ.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm TVPL LĐLĐ TP HCM, cho biết chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, trung tâm và các tổ TVPL đã tuyên truyền pháp luật lao động cho gần 100.000 lượt NLĐ, tư vấn cho hơn 3.000 trường hợp; hỗ trợ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong 8 vụ tranh chấp lao động tập thể; hỗ trợ soạn thảo 43 đơn đề nghị tổ chức hòa giải tranh chấp lao động, đồng thời hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tại tòa cho NLĐ; cử cán bộ trực tiếp tham gia tố tụng tại tòa cho 1 trường hợp...
Nâng chất hoạt động tư vấn pháp luật
Các trung tâm, văn phòng TVPL đã góp phần quan trọng và là cánh tay đắc lực của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoạt động TVPL hiện nay còn nhiều hạn chế, cơ cấu tổ chức chưa hợp lý, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu cũng như hình thức TVPL chưa phong phú, ít hình thức chủ động tiếp cận NLĐ…
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong giai đoạn tới, tổ chức Công đoàn sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ khác, do đó cần đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền lợi NLĐ và trung tâm TVPL chính là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng này. Vì vậy, việc kiện toàn, nâng cao năng lực các trung tâm TVPL rất cần thiết và giải pháp tối ưu là xây dựng mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ trên cơ sở thành lập mới hoặc kiện toàn, sáp nhập trung tâm, văn phòng TVPL với các đơn vị sự nghiệp.
Hiện Ban Quan hệ lao động đang đề xuất thí điểm thành lập mới 15 trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ tại các địa phương. Sau khi thành lập, trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ, hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và thực hiện các chương trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ cho đoàn viên, NLĐ… Đến nay đã có 2 trung tâm hoạt động theo mô hình mới.
Là một trong 2 địa phương đi đầu trong triển khai thành lập mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ, ông Trần Văn Hiệu, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, cho biết đây là mô hình hay, tạo nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức Công đoàn trong tình hình hiện nay, tuy nhiên việc này chưa có tiền lệ, liên quan nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo.
Vì vậy, ông kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần xin chủ trương của Ban Bí thư Trung ương về việc cho phép thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ để có sự thống nhất về nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện, đồng thời Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có hướng dẫn chung về vấn đề lựa chọn mô hình hoạt động này trực thuộc LĐLĐ tỉnh hay Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm xác định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chế độ tự chủ tài chính, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để bảo đảm hoạt động của trung tâm.
Bà TRẦN THỊ THANH HÀ, Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Xây dựng đội ngũ cộng tác viên có năng lực
Các trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ sẽ thúc đẩy việc thực hiện 2 chương trình đột phá của Công đoàn về đại diện bảo vệ NLĐ và chương trình phúc lợi, đặc biệt là trong công tác tư vấn, hỗ trợ khởi kiện và giải quyết tranh chấp. Với cơ chế về bộ máy nhân sự và nguồn tuyển dụng, các trung tâm sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên đủ mạnh gồm các luật sư, tư vấn viên, hòa giải viên.
Bình luận (0)