Lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 20-2020 đã được UBND TP HCM, LĐLĐ TP và Báo Sài Gòn Giải Phóng long trọng tổ chức vào sáng 29-8 tại Nhà hát TP. Đến dự có ông Vũ Anh Đức, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) TP, các doanh nghiệp (DN) và gia đình 10 cá nhân đoạt giải.
Niềm tự hào của đội ngũ công nhân thành phố
Khái quát lại quá trình hình thành và phát triển giải thưởng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người anh cả của giai cấp công nhân (CN) Việt Nam, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết năm 1999, thực hiện chủ trương của Thành ủy TP HCM về xây dựng đội ngũ CN TP thành một lực lượng cách mạng tiên phong trong xã hội, đông về số lượng, mạnh về chất lượng, là nòng cốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở TP, LĐLĐ TP và Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thống nhất xây dựng Giải thưởng Tôn Đức Thắng nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ và tôn vinh những người thợ có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực.
Giải thưởng không chỉ là niềm tự hào mà còn động viên đội ngũ CN, lao động TP phấn đấu trở thành những người thừa kế xứng đáng sự nghiệp của người CN tiêu biểu của giai cấp CN Việt Nam - Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm và Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng cho anh Lê Minh Hòa, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày 28-4-2000, tại sân khấu ngoài trời Cung Văn hóa Lao động TP, lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần đầu tiên chính thức diễn ra. Với các tiêu chí sát với thực tiễn thi đua gồm sự cống hiến, óc sáng tạo, nhiệt huyết truyền nghề, ngay từ lần đầu tiên tổ chức, giải thưởng đã nhận được sự quan tâm đồng thuận của DN.
Thông qua giải thưởng, phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" được các cấp CĐ từng bước đổi mới và đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú, sát với thực tiễn sản xuất, tạo khí thế thi đua và đã trở thành tiêu chí trong công việc, trong đời sống thường ngày của đội ngũ CNVC-LĐ TP. Kết quả, 100% CĐ cơ sở đăng ký thực hiện công trình thi đua vận động đoàn viên CĐ, CN phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động...
Thông qua đó, có 78.084 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, 3.956 đề tài tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật, hơn 60 đề tài tiêu biểu tham gia chương trình "Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam" và đặc biệt là đã có hơn 260.000 sáng tiến cải tiến làm lợi hơn 4.192 tỉ đồng cho DN, góp phần vào sự phát triển chung cho TP.
Với ý nghĩa to lớn và giá trị mang lại, năm 2004, giải thưởng được UBND TP chính thức công nhận là giải thưởng cấp TP và trở thành một trong các tiêu chí xét thưởng các danh hiệu thi đua cấp nhà nước. Với bước tiến này, giải thưởng ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng và quy mô.
Đến nay, qua 20 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã trở thành dấu ấn riêng, mang đậm hình ảnh của tổ chức CĐ và phong trào CN, là niềm tự hào của đội ngũ CN TP. Sau 20 lần trao giải, đã có 211 CN, kỹ sư ở các ngành công nghiệp trọng yếu và nông nghiệp công nghệ cao được vinh danh.
"Họ là những CN ưu tú đã phấn đấu không ngừng, toàn diện để trở thành những người thợ đầu đàn, hỗ trợ, động viên tập thể CN cùng trưởng thành và là lực lượng nòng cốt trong sự phát triển của các đơn vị. LĐLĐ TP tin rằng sau khi đoạt giải thưởng cao quý này, các anh chị sẽ tiếp tục phấn đấu, vững tay nghề, tích cực đóng góp xây dựng cơ quan, đơn vị, DN ngày càng phát triển, góp phần xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình" - bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Những người thợ tiên phong
Năm 2020, Giải thưởng Tôn Đức Thắng tiếp tục tôn vinh 10 kỹ sư, CN tiêu biểu nhất của các ngành nghề trọng điểm của TP. Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng ở họ đều tỏa sáng niềm đam mê lao động sáng tạo, không ngại học hỏi, chấp nhận khó khăn, vất vả để giúp đơn vị, DN vượt khó vươn lên, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đồng thời tạo ra những giá trị mới, phục vụ cộng đồng. Họ luôn sẵn sàng truyền thụ kinh nghiệm quý báu được tích lũy của cuộc đời làm thợ cho những thế hệ CN kế tiếp.
Tiêu biểu như chàng kỹ sư trẻ Hoàng Minh Phước của Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam. Từ một nhân viên kỹ thuật, anh không ngừng cố gắng, trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ nhằm bắt kịp và làm chủ các công nghệ tiên tiến. Từ đó, anh có những sáng chế độc đáo giúp tự động hóa nhiều khâu sản xuất. Điển hình sáng kiến tự động hóa công đoạn cắt centersocket hay ý tưởng tự động hóa công đoạn gia công đầu cable đồng trục…
Khoảng 1 năm trở lại đây, có rất nhiều sản phẩm mới đồng thời được triển khai sản xuất nhưng với sự bùng phát của dịch bệnh, DN chịu rất nhiều ảnh hưởng, sự hỗ trợ từ công ty mẹ tại Nhật Bản cũng bị hạn chế. Trong bối cảnh đó, sự sáng tạo, chủ động của anh Phước trong phân tích và xử lý các vấn đề phát sinh đã giúp DN triển khai sản xuất thành công những dòng sản phẩm mới, vượt qua khó khăn trước mắt.
Với sự nỗ lực đó, anh Phước đã được đề bạt làm trưởng phòng kỹ thuật. Chia sẻ bí quyết vươn tới thành công, anh cho biết: "Tôi yêu công việc này và rất hạnh phúc vì được sống với đam mê sáng tạo của mình. Bản thân tôi nghĩ người thợ trong giai đoạn mới phải luôn luôn học hỏi, không ngừng nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới bởi khoa học - công nghệ càng phát triển thì dòng đời của các sản phẩm càng ngắn lại. Do đó, việc cải tiến là bắt buộc và phải được thực hiện thật nhanh".
Ưu điểm của anh Lê Trường Thọ, Trưởng Phòng Thủy nông của Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM (HCMC IMC), là sự sáng tạo, nhạy bén, không ngừng học tập vươn lên trong nghề nghiệp. Là kỹ sư thủy lợi nhưng anh Thọ không ngại học thêm về công nghệ thông tin và Anh ngữ để phục vụ tốt hơn cho công việc.
Sau 23 năm cống hiến, anh Thọ đã sở hữu "gia tài" đồ sộ là hàng chục công trình sáng kiến, cải tiến hữu ích, góp phần đưa hoạt động công ty ngày càng chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành. Hầu hết sáng kiến của anh đều ứng dụng công nghệ. Anh Thọ lý giải: "Trong bối cảnh hội nhập, chỉ có mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý thì mới đạt hiệu quả lâu dài".
Đơn cử như sáng kiến "Ứng dụng giải pháp công nghệ tưới tự động và phân phối nước hiệu quả (SCADA) - khu tưới kênh Đông Củ Chi" của anh được thực hiện năm 2019. Bằng việc tích hợp các phần mềm quản lý, giám sát, điều hành hệ thống tưới theo thời gian thực với 24 trạm kiểm soát nước tưới tự động trên 24 tuyến kênh cấp 1 thuộc hệ thống kênh Đông Củ Chi, sáng kiến đã giải được bài toán khó về nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm hơn 6,5 triệu m3/năm, đồng thời giúp CN vận hành tiết kiệm nhiều công sức.
Ông LÊ THANH LIÊM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM:
Thể hiện phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ công nhân
Những năm qua, với truyền thống năng động, sáng tạo, kinh tế TP HCM từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới, hiện đại, khẳng định tầm vóc và luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Cùng với sự phát triển của TP, đội ngũ CNVC-LĐ TP không ngừng lớn mạnh, nâng cao về chất lượng và số lượng, có bản lĩnh, năng động, sáng tạo tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong quá trình xây dựng và phát triển. Những cá nhân đoạt giải dù khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, môi trường công việc, về những nỗ lực và khó khăn phải vượt qua nhưng tất cả đều có điểm chung thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người CN là say mê lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm và thái độ sẵn sàng cống hiến với tinh thần quyết tâm vượt khó. Việc đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng có ý nghĩa to lớn, không chỉ là niềm tự hào mà còn là mục tiêu cụ thể để CN TP phấn đấu, trở thành những người kế thừa xứng đáng sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người CN tiêu biểu của giai cấp CN Việt Nam. Giải thưởng đồng thời là sự tôn vinh, ghi nhận của tổ chức CĐ và lãnh đạo TP với những CN ưu tú.
Trong thời gian tới, tổ chức CĐ TP cần tiếp tục phát huy các phong trào thi đua mang tính hiệu quả, thiết thực trong thời gian qua, đồng thời nghiên cứu đổi mới, nâng chất các phong trào thi đua phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng ngành nghề, lĩnh vực. Thông qua đó, phát hiện, tôn vinh và nhân rộng các gương điển hình người tốt, việc tốt, nhân tố mới. Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần phát huy hiệu quả hoạt động "CLB CN lao động sáng tạo" nhằm tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm về các đề tài khoa học, các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị.
10 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2020
1. Ông Vũ Huy Tuấn - Công ty Điện lực Gò Vấp
2. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Chi nhánh Công ty CP Tico
3. Ông Lê Minh Hòa - Xưởng Sửa chữa Ôtô Thành Lợi (Công ty CP Ánh Dương Việt Nam)
4. Ông Hoàng Minh Phước - Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam
5. Ông Nguyễn Hoàng Tấn - Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất
6. Ông Huỳnh Khắc Thịnh - Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam
7. Ông Nguyễn Khánh Hưng - Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng
8. Bà Lê Thị Bé Ba - Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM)
9. Ông Lê Văn Cửa - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao
10. Ông Lê Trường Thọ - Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM.
Bình luận (0)