Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP HCM, cả 91 phòng trọ của bà Võ Thị Trong (quận 12, TP HCM) đều kín người ở, đa số là công nhân (CN) nhưng chỉ 35 phòng trả tiền thuê mỗi tháng. Có phòng còn nợ tiền thuê trọ lên đến vài chục triệu đồng đến nay vẫn chưa trả hết vì CN quá khó khăn do mất việc làm. Do vậy, khi nghe tin được Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà, không chỉ người lao động (NLĐ) ở trọ mà cả bà Trong cũng rất phấn khởi.
Sẻ chia kịp thời
Ông Hoàng Kim Hùng, chủ Khu Lưu trú văn hóa số 38 (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng sẽ là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn, góp phần khuyến khích lao động ngoại tỉnh trở lại TP HCM làm việc.
Từ sau Tết đến nay, khu trọ của ông Hùng trống khoảng 30% phòng cho thuê bởi NLĐ bỏ về quê do gặp khó khăn vì dịch bệnh và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng trong khi thu nhập không tăng. Ông Hùng cho hay luôn sẵn sàng hỗ trợ NLĐ thực hiện các giấy tờ, thủ tục cần thiết để họ tiếp cận chính sách hỗ trợ này.
Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 28-3, NLĐ làm việc trong doanh nghiệp (DN) tại KCN, KCX hoặc khu vực kinh tế trọng điểm, thuê trọ trong thời gian từ ngày 1-2-2022 đến 30-6-2022, có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (giao kết và thực hiện trước ngày 1-4-2022), đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, thì được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của Chính phủ đã góp phần san sẻ khó khăn với người lao động Ảnh: HUỲNH NHƯ
NLĐ mới quay lại thị trường lao động được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng, song phải đáp ứng các tiêu chí: đang làm việc trong DN, HTX, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại KCX-KCN hoặc khu vực kinh tế trọng điểm; thuê trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2022 đến 30-6-2022; có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (giao kết và thực hiện trong thời gian từ ngày 1- 4-2022 đến 30-6-2022 - trừ HĐLĐ giao kết tiếp nối của HĐLĐ đã giao kết và thực hiện trước đó); đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hay NLĐ mới tuyển dụng, có giao kết HĐLĐ nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động (NSDLĐ) của tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Vẫn còn băn khoăn
Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) hiện có hơn 2.500 lao động đang làm việc, trong đó khoảng 80% là người ngoại tỉnh, đa phần ở nhà thuê. Hằng tháng, NLĐ được DN hỗ trợ tiền thuê nhà 500.000 đồng. Tuy nhiên, so với mức giá thuê trọ bình quân tại địa phương (khoảng 1,2 triệu đồng/tháng) thì khoản hỗ trợ từ công ty là chưa đủ.
Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam, mức hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng của Chính phủ là rất thiết thực. Tuy nhiên, ông Hải vẫn còn băn khoăn về quy trình thực hiện. Cụ thể, theo quy định, trên cơ sở đề nghị của NLĐ, NSDLĐ tổng hợp danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà và niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày làm việc. Trường hợp có ý kiến phản ánh về đối tượng và điều kiện hỗ trợ, NSDLĐ tiến hành xác minh, bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện hỗ trợ theo quy định trong vòng 2 ngày làm việc. DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực với thông tin của NLĐ.
"Quy định này sẽ gây khó khăn cho DN khi thực hiện, nhất là đối với DN có đông lao động và NLĐ ở trọ rải rác tại nhiều quận, huyện hay các tỉnh lân cận. Theo tôi, trong trường hợp này, chỉ NLĐ có giấy xác nhận tạm trú của cơ quan công an là đủ" - ông Hải nhận xét. Ngoài ra, ông Hải cũng mong mỏi cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để NLĐ tiếp cận được chính sách đúng thời điểm.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cũng băn khoăn về việc liệu các lao động thời vụ có được hưởng chính sách này hay không. "Theo nguyên tắc, lao động thời vụ đang làm việc tại KCN, khu kinh tế vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, các DN cho thuê lao động có quan tâm để làm thủ tục cho họ hay không? Cùng làm việc nhưng không được hưởng chính sách này thì quá thiệt thòi cho lao động thời vụ" - ông băn khoăn.
Vì thế, ông Hồng đề xuất các công ty đang thuê lao động thời vụ phải giám sát, yêu cầu DN cho thuê lao động làm thủ tục để họ cũng được thụ hưởng chính sách nhân văn này.
Sẵn sàng xác nhận danh sách BHXH của NLĐ
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết theo Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, trước ngày 15 hằng tháng, NSDLĐ gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 03 đến cơ quan BHXH để xác nhận đang tham gia BHXH bắt buộc. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ.
"Trước đây, cơ quan BHXH từng làm các thủ tục tương tự để xác nhận cho NLĐ gặp khó khăn vì dịch Covid-19 hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Thời hạn được giao là 2 ngày nhưng BHXH TP HCM đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, thậm chí rút ngắn xuống còn 1 ngày để chính sách hỗ trợ sớm đến tay NLĐ. Từ kinh nghiệm đã thực hiện trước đó, hiện nay BHXH TP không gặp khó khăn gì trong việc thực hiện và đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận danh sách xác nhận từ DN" - ông Mến cho hay.
Bình luận (0)