Hiện cả nước có 419 KCN, KCX, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp (gọi chung là KCN) với gần 2,2 triệu lao động. Đến ngày 30-6, tổ chức CĐ đã thành lập được 5.155 CĐ cơ sở ở các doanh nghiệp, đơn vị trong các KCN, chiếm tỉ lệ 62,5%; trong đó, 4.428 CĐ cơ sở do CĐ các KCN trực tiếp quản lý. Đến nay, vẫn còn 1.049 doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên chưa có CĐ.
Trao đổi tại hội nghị, nhiều đại biểu chỉ ra những vướng mắc trong tổ chức hoạt động CĐ các KCN, chủ yếu do phân cấp quản lý và sự chồng chéo trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo của CĐ cấp trên đối với CĐ cơ sở; số lượng cán bộ CĐ chuyên trách còn quá ít so với sự phát triển của đoàn viên dẫn đến không bảo đảm chất lượng hoạt động. Nhiều ý kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có quy chế hoạt động CĐ các KCN, xem xét khung biên chế, nhiệm vụ, quyền hạn CĐ các KCN; thống nhất sự phối hợp giữa CĐ ngành, trung ương với LĐLĐ địa phương và CĐ các KCN để dễ hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý hiện vẫn còn hơn 532.000 lao động làm việc tại các KCN chưa gia nhập CĐ, do vậy ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh vận động, phát triển đoàn viên. Ông Hải cũng đề nghị Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu nhiệm vụ, quyền hạn CĐ KCN, đúc kết thực tiễn để chuẩn bị cho Điều lệ CĐ khóa XII xác thực hơn, đồng thời nghiên cứu nguồn lực, năng lực thực tiễn của cán bộ CĐ chuyên trách để từ đó hoàn thiện công tác tổ chức, tuyển dụng cán bộ.
Bình luận (0)