Dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng các em vẫn nỗ lực, phấn đấu vươn lên đạt được thành tích tốt trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi
Một chiều tháng 8-2019, chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Văn Mật (ngụ ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM), công nhân (CN) lái xe nâng Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh. Ngôi nhà cấp 4 của anh không có gì đáng giá ngoài 2 chiếc xe máy cà tàng, một chiếc xe đạp điện và chiếc máy may cũ. "Được vậy là khá lắm rồi đó anh. Cách đây 7 năm, cả gia đình tôi phải tá túc trong căn nhà lá dột nát, cứ mùa mưa là phải dọn đồ liên tục vì sợ ướt" - anh Mật giãi bày.
Con ngoan, trò giỏi
Gia đình anh Mật thuộc diện hộ nghèo trong xã. Cách đây không lâu, được chính quyền địa phương hỗ trợ, vợ chồng anh mới có điều kiện sửa sang lại nhà. Thế nhưng, chưa được hưởng niềm vui an cư bao lâu thì gia đình anh gặp biến cố. Cuối năm 2017, chị Nguyễn Thị Tường, vợ anh, phát hiện bị bệnh ung thư vú.
Sau giờ học, Võ Thị Mỹ Anh phụ giúp cha mẹ trông em trai
Trước đây, chị Tường làm CN may cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Từ khi chị mắc bệnh, tài sản gia đình tích cóp được cứ "đội nón ra đi" theo những lần nằm viện điều trị. Gần một năm chữa trị, bệnh tình có thuyên giảm nhưng chị Tường không thể đi làm vì sức khỏe không cho phép. Không muốn làm gánh nặng cho chồng con, chị nhận may gia công túi xách tại nhà để kiếm đồng vô đồng ra. Thế nhưng, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải chi phí những lần xét nghiệm, tái khám hằng tháng. Vợ bệnh, gánh nặng gia đình dồn hết lên anh Mật. Ngoài nuôi vợ cùng 2 con, anh Mật phải chăm sóc mẹ già gần 80 tuổi. Cả gia đình chỉ trông mong vào đồng lương khoảng 6 triệu đồng/tháng của anh. Lo tiền sinh hoạt, trả nợ nên cuộc sống gia đình anh Mật cứ thiếu trước hụt sau. Khó khăn là vậy song vợ chồng anh vẫn cố gắng xoay xở lo cho các con ăn học.
Hiểu được vất vả của cha mẹ nên con gái lớn của vợ chồng anh là Võ Thị Mỹ Anh (SN 2004) cố công học hành. Chín năm liền ở bậc tiểu học và THCS, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mới đây, em thi đậu vào Trường THPT Long Thới. Nhà cách trường hàng chục cây số, do vậy em phải dậy từ 6 giờ, chạy xe đạp điện đến trạm xe buýt, sau đó lên xe tới trường. Không chỉ học giỏi, Mỹ Anh còn biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp bà nội và mẹ. Hay tin mình được nhận học bổng của Báo Người Lao Động, đôi mắt cô bé ánh lên niềm hạnh phúc. Khi chúng tôi hỏi về dự định trong tương lai, Mỹ Anh trả lời: "Lớn lên, em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo".
Ước mơ dang dở
Trong số 121 học sinh được xét trao học bổng đợt này, em Phạm Nguyễn Hồng Phúc (SN 2001) - con chị Nguyễn Kim Nương, CN Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức - là một tấm gương điển hình vượt khó, vươn lên.
Gia cảnh chị Nương hết sức khó khăn khi phải ở nhờ trong nhà của người em chồng (khu phố Tân Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Thế nhưng, đó chưa phải là khó khăn duy nhất, bởi chị và chồng là anh Phạm Thanh Phong đều bị bệnh gan. Anh Phong là tài xế xe tải, bị xơ gan phải nhập viện điều trị từ năm 2006. Một năm sau, chị cũng mắc căn bệnh tương tự. Trong thời gian chồng nằm viện, chị Nương chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa trị. Gia đình vì thế lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn. Công việc anh Phong hiện tại không ổn định nên chi tiêu sinh hoạt phụ thuộc vào đồng lương CN của chị, khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Một mình gồng gánh cả gia đình, lại phải trả nợ nên sức khỏe chị giảm sút rõ rệt.
Phạm Nguyễn Hồng Phúc phụ mẹ làm việc nhà sau giờ làm công nhân
Phúc là con trai duy nhất của vợ chồng chị. Hiểu được vất vả của cha mẹ nên suốt những năm học THPT, Phúc cố gắng học tốt. Ngoài dành thời gian học và phụ giúp gia đình, cuối tuần, Phúc còn đi phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới và làm CN tại một nhà máy sản xuất ca cao để nuôi giấc mơ vào học đại học. Dù đủ điều kiện vào học tại Đại học Bình Dương nhưng Phúc có nguy cơ… lỡ hẹn vì không có tiền đóng học phí. Phúc cho biết em mới đi làm CN nên chưa có lương, nếu có thì cũng để dành trả cho cô chủ nhiệm lớp 12. "Suốt năm học lớp 12, không chỉ động viên, cô còn cho em mượn tiền đóng học phí và học thêm. Do vậy, khi nhận tháng lương đầu tiên, em phải trả hết vì em nợ cô… quá nhiều rồi. Được học đại học là mơ ước lớn nhất của em nhưng hoàn cảnh gia đình hiện tại buộc em phải gác lại dự định" - Phúc chia sẻ. Nghe con trai tâm sự, chị Nương ứa nước mắt, nghẹn ngào: "Học bổng Báo Người Lao Động đến với cháu thật đúng lúc và vợ chồng tôi rất cảm kích".
121 suất học bổng sẽ trao vào ngày 7-9
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động", đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, từ năm học 2018-2019, Báo Người Lao Động đã triển khai Chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ". Trong năm đầu tiên, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và mạnh thường quân, chương trình đã trao 115 suất học bổng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM. Năm học 2019-2020, Chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" được đổi tên thành Chương trình học bổng Báo Người Lao Động. Nét mới của chương trình năm nay là ngoài con CN vệ sinh, chương trình sẽ mở rộng đối tượng chăm lo là con CN bị tai nạn lao động, CN mắc bệnh hiểm nghèo. Năm nay, chương trình tiếp tục trao 121 suất học bổng cho con CN bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM. Lễ trao học bổng sẽ được tổ chức vào sáng 7-9, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM.
Báo Người Lao Động mong muốn chương trình sẽ đem đến sự động viên, tiếp thêm tinh thần học tập, rèn luyện cho học sinh trên bước đường đến trường.
Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những đóng góp, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm để tiếp sức cho chương trình. Mọi đóng góp, ủng hộ cho chương trình, vui lòng gửi về: Chương trình học bổng Báo Người Lao Động hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động.
Kỳ tới: Bươn chải kiếm sống
Bình luận (0)