Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng các em không có cái hạnh phúc được vô tư vui đùa cùng bạn bè mà phải tất bật, lo toan cho cuộc sống bởi các em là những đứa trẻ mồ côi hoặc cha mẹ bị bệnh nan y, gia đình khó khăn, bản thân bệnh tật... Đó là hoàn cảnh của 155 em được nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh do LĐLĐ TP HCM trao sáng 30-7.
Chiến đấu với bệnh tật
Tại lễ trao học bổng, nhiều người không khỏi xót xa trước hình ảnh cậu bé gầy gò mang cục bướu trên lưng to hơn nửa người của em. Đó là em Nguyễn Trung Trực, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Gò Vấp, TP HCM. Lên 2 tuổi, em bị bướu máu. Căn bệnh đang dần hủy hoại thân xác em. Khối u đã ức chế sự phát triển của cơ thể, 13 tuổi nhưng thân hình Trực giống như đứa trẻ lên 5. Trực chỉ nặng vỏn vẹn 25 kg. Nơi em ngủ hằng ngày là chiếc nệm nhỏ xíu hoặc chiếc võng mỗi khi bị khối u hành hạ.
Ba Trực làm lao công tại Công ty TNHH Căn hộ cao cấp Đắk Lắk - Nhật Bản, mẹ ở nhà nhận sửa quần áo lặt vặt. Lương lao công của ba cùng những đồng tiền lẻ từ việc gò lưng sửa từng cái áo, cái quần của mẹ không đủ nuôi anh em Trực; lại còn tiền khám bệnh, mua thuốc... nên cảnh nhà càng thiếu trước, hụt sau. “Nhìn thấy con đau đớn, làm cha mẹ, tôi không khỏi xót xa. Nhưng bữa ăn hằng ngày còn vất vả thì nói gì đến số tiền 300 triệu đồng chữa bệnh cho con...” - chị Cao Thị Thảo, mẹ Trực, nghẹn ngào.
Mặc dù bị bệnh tật hành hạ nhưng ước mơ được cắp sách đến trường vẫn cháy bỏng trong lòng cậu bé. Trực ao ước: “Em mong sau này được làm thầy giáo để dạy chữ cho các em nhỏ và có thể phụ giúp gia đình”. Nhìn ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên của em, chúng tôi thấy lòng mình chùng xuống, ước mong có một phép màu sẽ đến với em.
Không từ bỏ ước mơ
Một đứa trẻ bất hạnh khác cũng khiến nhiều người mủi lòng khi biết hoàn cảnh của em. Trần Tấn Tâm, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trang Tấn Khương, huyện Nhà Bè, TP HCM, sống cùng bà nội kế trong căn nhà lá tạm bợ, trống trước, trống sau. Tài sản quý giá nhất trong nhà là chiếc tủ lạnh được tặng nhưng trong tủ cũng chẳng có gì ngoài mấy chai nhựa đựng nước.
Ba mẹ Tâm đã mất vì bệnh AIDS, bản thân em cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác này. Ngay từ nhỏ, Tâm đã bị kỳ thị; nhiều lần, em ngơ ngác hỏi bà: “Sao các bạn không chơi với con hả nội?”. Bà chỉ biết ôm cháu vào lòng, an ủi, dỗ dành. Đã 10 năm nay, Tâm vẫn đều đặn uống thuốc để chống chọi với bệnh tật. Lúc vào lớp 1, em bị mọi người xa lánh, chính quyền và nhà trường phải can thiệp để em được hòa nhập với cộng đồng. Khi hỏi về ước mơ, cậu bé bộc bạch: “Con ước được hết bệnh, trở thành thầy giáo để có tiền nuôi bà nội”.
Với nhiều người dõi theo học bổng Nguyễn Đức Cảnh thời gian qua, cái tên Phạm Lâm Kim Thảo (quận 3, TP HCM) đã trở nên quen thuộc. Nghe tin em được xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM và ĐH KHXH&NV TP HCM, ai cũng cảm phục trước nghị lực vượt khó của cô bé khiếm thị. Cuộc đời Thảo là những chuỗi ngày bất hạnh và khó khăn, bị mù từ khi mới lọt lòng, ba lại bỏ đi, 18 năm qua, 3 mẹ con Thảo nương náu nhà người dì. Mẹ Thảo lại bị mắc bệnh suy thận mãn tính hơn 15 năm. Khó khăn là vậy nhưng năm nào Thảo cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Đồng hành cùng CNVC-LĐ khó khăn
Thời gian qua, các cấp CĐ TP đã nỗ lực duy trì, phát triển Quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh qua các phong trào “Nuôi heo đất”, “Cành hồng cho con”... Học bổng Nguyễn Đức Cảnh đã đón nhận được sự đồng thuận của người sử dụng lao động, sự ủng hộ của đông đảo CNVC-LĐ và các mạnh thường quân. Điều đó càng khẳng định mục tiêu đúng đắn của tổ chức CĐ trong việc chăm lo cho con CNVC-LĐ khó khăn để các cháu có điều kiện tiếp tục đến trường, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
Bình luận (0)