Thu nhập thực tế là 150 triệu đồng/tháng nhưng lương cơ bản trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà bà N.T.H.T ký với một ngân hàng tại quận 1, TP HCM chỉ thể hiện hơn 16 triệu đồng/tháng. Việc thỏa thuận với người sử dụng lao động giao kết một đằng trả lương một nẻo khiến bà T. gặp khó khăn trong việc đòi quyền lợi khi tranh chấp phát sinh.
Lãnh đủ do "lách luật"
Trước đó, vào tháng 8-2020, bà T. ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với ngân hàng ở vị trí phó giám đốc văn phòng Ban Quản lý tái cấu trúc và chiến lược. Mức lương ghi trên HĐLĐ là mức lương cơ bản (hơn 16 triệu đồng/tháng), trong khi thực tế bà T. nhận lương gộp gồm lương 130 triệu đồng và phụ cấp thu hút 20 triệu đồng/tháng.
Sau khi HĐLĐ hết hạn, ngày 8-9-2021, ngân hàng ra thông báo đề xuất ký HĐLĐ mới (thời hạn 12 tháng) với bà T. Theo đó, bà T. sẽ giữ vị trí trưởng bộ phận Văn phòng Ban Quản lý tái cấu trúc và chiến lược, lương 56,3 triệu đồng/tháng. Đến ngày 22-10-2021, trưởng bộ phận Khối nguồn nhân lực đã gửi bản scan HĐLĐ mới, đề nghị bà T. xác nhận nội dung. Qua trao đổi bằng email, trưởng bộ phận Khối nguồn nhân lực cũng xác nhận lương cơ bản để đóng BHXH được điều chỉnh tăng lên 29,8 triệu đồng/tháng, còn tổng lương không đổi.
Theo bà T. hiểu thì vẫn được trả lương 150 triệu đồng/tháng như trước đó. Tuy nhiên, sau đó phía ngân hàng không thực hiện ký HĐLĐ, ngược lại lương bà T. bị giảm còn 56,3 triệu đồng, mặc dù trên các bảng thu nhập từ tháng 9 đến tháng 11-2021 vẫn thể hiện lương tháng là 130 triệu đồng/tháng và trong email (ngày 22-10-2021) trả lời thắc mắc về lương tháng 9-2021 của bà T. của ông N.T.Q, phó phòng phụ trách Khối nguồn nhân lực, cũng khẳng định phần lương phải chi bổ sung cho bà T. là hơn 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chi sau khi nhận được HĐLĐ và bảng chấm công của ban quản lý dự án tái cấu trúc. Tuy nhiên, sau đó phần lương bổ sung vẫn không được chi nên bà T. khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi.
Một vụ tranh chấp về tiền lương xảy ra tại một doanh nghiệp ở quận 12, TP HCM
Tại tòa, đại diện ngân hàng cho rằng từ "lương không đổi" là không thay đổi so với thông báo đề xuất ký HĐLĐ chứ không phải so với mức lương trước đó, hơn nữa bộ phận Khối nguồn nhân lực không có thẩm quyền quyết định mức lương chi trả cho người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, sau thông báo đề xuất ký HĐLĐ, bà T. vẫn tiếp tục làm việc tại ngân hàng - có nghĩa là đã đồng ý với mức lương đề xuất là 56,3 triệu đồng. Do vậy, không có cơ sở để đáp ứng yêu cầu khởi kiện của bà T.
Lập luận của ngân hàng được cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận. Hơn nữa theo HĐXX, việc ngân hàng trả lương 56,3 triệu đồng cao hơn mức lương theo HĐLĐ là có lợi cho NLĐ nên yêu cầu khởi kiện của bà T. bị tòa bác bỏ.
Thiệt đơn, thiệt kép
Tương tự, làm việc gần 17 năm, mức lương cơ bản (đóng BHXH) của anh P.T.H, tổ trưởng tổ mộc Công ty TNHH M.G (huyện Nhà Bè, TP HCM), hiện chỉ có 5,7 triệu đồng/tháng. So với khoản lương thực tế nhận hằng tháng, mức lương này có sự chênh lệch đáng kể.
Anh H. cho hay mức lương chính thức để làm căn cứ tính lương ngày công trong tháng của anh là 16 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, ngoài lương theo ngày công sẽ có thêm các khoản phụ cấp chức vụ, năng suất, xăng xe và tiền tăng ca (nếu có). Cho nên trong bảng kê lương hằng tháng của anh H. hiển thị 3 mục tiền lương với các con số khác nhau, gồm: mức lương chính đóng BHXH (5,7 triệu đồng/tháng), tổng thu nhập (16 triệu đồng/tháng) và thực lãnh.
Mới đây, khi phải nghỉ việc do công ty cơ cấu lại lao động vì gặp khó khăn về đơn hàng, tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp đều được tính dựa trên mức lương theo HĐLĐ nên rất thấp. Biết thiệt thòi nhưng anh H. đành chịu vì ngoài HĐLĐ đã giao kết, anh còn ký thỏa thuận bảo mật thông tin, trong đó tiền lương là một trong những nội dung phải bảo mật kể cả khi đã nghỉ việc.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận để giảm chi phí đóng các khoản bảo hiểm, hiện tình trạng lương thực tế của NLĐ cao nhưng doanh nghiệp "lách luật" ký HĐLĐ với mức thấp hơn như các trường hợp nêu trên khá phổ biến.
Đa phần NLĐ lấy lý do vì việc làm nên chấp nhận ký HĐLĐ với mức lương không đúng thực tế, song cách làm này sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Ngoài thiệt thòi quyền lợi khi tính hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc, các chế độ BHXH, hưu trí, tai nạn lao động, BHXH một lần, hưu trí… khi có tranh chấp phát sinh, NLĐ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đòi quyền lợi vì không thể cung cấp các chứng cứ có tính thuyết phục cao.
Trong đó, chứng cứ có tính thuyết phục cao là HĐLĐ, sổ BHXH nhưng lại không thể hiện đúng lương thực tế. Một số chứng cứ khác do người sử dụng lao động quản lý nên NLĐ khó thu thập để nộp cho tòa án. Do đó, khi thỏa thuận và ký HĐLĐ, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình.
Bình luận (0)