Chắt lọc cái hay và biết hiện thực hóa thành các chương trình, mục tiêu cụ thể, vì lợi ích doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) là điểm nhấn của các chương trình hợp tác quốc tế của tổ chức Công đoàn (CĐ) TP HCM”. Đó là đánh giá của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi nói về hiệu quả hoạt động của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP HCM.
Đồng hành với người nghèo
Từ nguồn vốn huy động ban đầu chưa đến 900 triệu đồng, hiện Quỹ CEP đã trở thành một tổ chức tín dụng có uy tín trên cả nước với số vốn lên đến hơn 1.300 tỉ đồng. Có được điều ấy là do Quỹ CEP luôn giữ vững sứ mệnh phục vụ người nghèo. Minh bạch, chính trực, tôn trọng, đồng cảm và chia sẻ chính là văn hóa của Quỹ CEP. Chủ động tiếp cận người nghèo, nhất là CNVC-LĐ có nhu cầu cải thiện thu nhập, 22 năm qua, Quỹ CEP đã không ngừng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm tín dụng nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho đối tượng này. Người nghèo, nhất là CNVC-LĐ, tin tưởng Quỹ CEP bởi họ luôn được sẻ chia khó khăn kịp thời. 30 chi nhánh (13 chi nhánh ở tỉnh) với số thành viên lên đến 240.000 đã khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của Quỹ CEP.
Chương trình Mái nhà CEP, học bổng CEP ra đời không nằm ngoài mục đích chăm sóc tối đa cho người nghèo. “Kinh nghiệm tiếp cận người nghèo và xây dựng hình thức trợ vốn phù hợp được Quỹ CEP học tập và tiếp thu có chọn lọc để xây dựng hướng đi riêng. Hoạt động phi lợi nhuận và tận tụy vì người nghèo là tôn chỉ hoạt động của Quỹ CEP” - bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP, đúc kết.
Dấu ấn phong trào “Mùa Xuân”
Nhắc về hoạt động của CĐ TP không thể không nói đến dấu ấn của phong trào “Mùa Xuân”. “Năm 2008, khi sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm, tổ chức CĐ TP rất ấn tượng về tính hiệu quả của phong trào “Mùa Xuân” với trọng tâm chính là thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thời điểm ấy, tỉ lệ ký kết thỏa ước lao động tập thể ở loại hình doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh còn thấp nên chúng tôi chủ động triển khai phong trào này” - ông Nguyễn Huy Cận, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhớ lại.
Chắt lọc tinh túy trong hoạt động CĐ của bạn, LĐLĐ TP đã có những định hướng sát sườn hơn khi triển khai phong trào “Mùa Xuân”. Nội dung trọng tâm của phong trào “Mùa Xuân” là tổ chức hội nghị CBCC, đại hội CNVC-LĐ và hội nghị NLĐ để đóng góp cho việc thực hiện kế hoạch của đơn vị; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tiến bộ nhằm tạo động lực làm việc cho NLĐ. Từ định định hướng sát sườn này, nhiều CĐ cơ sở đã làm tốt việc tập hợp ý kiến NLĐ trước khi thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Phong trào “Mùa Xuân” không chỉ tạo điều kiện cho NLĐ động phát huy quyền làm chủ mà còn giúp DN hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó phối hợp với CĐ hoàn thiện chính sách chăm lo. Đánh giá hiệu quả phong trào “Mùa Xuân”, ông Richard Forwood, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thắng (quận Thủ Đức, TP HCM), khẳng định việc xây dựng lòng tin và quan hệ hiểu biết, hợp tác giữa tổ chức CĐ và NLĐ chính là điểm nhấn đặc biệt của phong trào. Hợp tác tin cậy và cùng phối hợp chăm lo cho NLĐ chính là cơ sở giúp DN phát triển bền vững, hài hòa quan hệ lao động.
Tạo hiệu ứng tích cực “Từ các chương trình hợp tác quốc tế, LĐLĐ TP HCM đã học hỏi và định hướng phong trào sát sườn với tình hình thực tế, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của CNVC-LĐ và sự kỳ vọng của DN. Tín hiệu tích cực của phong trào “Mùa Xuân”, đặc biệt sự tin cậy của người nghèo đối với Quỹ CEP là minh chứng cho hướng đi đúng đắn ấy” - ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, khẳng định. |
Bình luận (0)