“Đến giờ này, bản thân tôi còn không tin mình có thể hướng thiện và trở thành một nghệ nhân điêu khắc. Với những người đã từng một thời lầm lỡ như tôi, làm người tốt đã khó, sống có ích cho cộng đồng lại càng khó hơn. Ở đời, luật nhân quả rất rõ và tôi quyết tâm làm lại cuộc đời từ suy nghĩ ấy” - anh Lê Thừa Dương Hùng, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM), nói như vậy khi kể lại quãng đời thăng trầm của mình.
Quay đầu là bờ
Gặp Hùng lần đầu, ít ai có thể hình dung gần chục năm trước anh từng là giang hồ có tiếng, chuyên đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, bảo kê ở TP HCM và Thừa Thiên - Huế với biệt danh Hùng “sầu”.
Hùng quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc chào đời Hùng đã không biết mặt cha. Mẹ đi thêm bước nữa, Hùng phải sống với cha dượng thường xuyên nát rượu và bắt đầu “làm quen” với những trận đòn roi thừa sống thiếu chết. Tủi thân, vừa lên 7 tuổi, Hùng bỏ nhà lên Thành nội Huế đi bụi, lang thang kiếm miếng ăn bằng đủ thứ nghề, từ rửa chén, bốc xếp, vác hàng lậu. Cũng bắt đầu từ đó, Hùng nhiễm dần thói xấu ngoài xã hội, sa vào nghiện ngập. Vô TP HCM hay ở Huế, ở đâu Hùng cũng để lại thành tích bất hảo. Hai lần vào tù do tội cố ý gây thương tích và trốn trại đã nói lên hết số má của Hùng “sầu” trong giới anh chị. Vạch hình xăm trên tay phải cho tôi xem, Hùng cười buồn: “Mỗi lần nhìn những hình xăm này, ngẫm lại tôi còn sợ chính mình ngày ấy. Máu lạnh và sẵn sàng đánh nhau, thậm chí lấy mạng người khác chỉ vì chén cơm”. Xấu hổ với bà con lối xóm vì có đứa con trai bất hảo, vào tù ra khám như cơm bữa nên mẹ Hùng đã bán nhà, bỏ xứ mà đi.
Một lần ghé chùa Hoằng Pháp, Hùng trải lòng với các sư thầy và nhận được những lời khuyên chân thành. Quyết tâm làm lại cuộc đời, anh thuê một căn phòng trọ gần chùa và tự giam mình nửa tháng trong đó để cắt cơn nghiện. Sức khỏe ổn định cũng là lúc Hùng nhận làm công quả trong chùa để tri ân các sư thầy đã giúp đỡ, cưu mang anh. Một lần, tình cờ thấy những người thợ điêu khắc gỗ trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) làm việc, Hùng như bị mê hoặc. Chỉ cần học lóm và mua dụng cụ về mày mò, đục đẽo, Hùng có thể làm được những pho tượng nhỏ, dù còn thô kệch, xấu xí. “Lúc đó, tôi mừng đến phát khóc vì nghĩ mình cũng có khả năng làm ra tiền ” - Hùng tâm sự.
Cưu mang người lầm lỡ
Năm 2001, khi xưởng điêu khắc Quang Mỹ trên địa bàn huyện Hóc Môn thông báo tuyển thợ, Hùng quyết định thử sức. Sẵn có khiếu, lại được đào tạo bài bản, thêm vào đó là rất chí thú học nghề nên Hùng tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau 3 tháng làm việc, Hùng được ông A Lin, quản lý xưởng, giao phụ trách kỹ thuật. Cuộc đời Hùng tưởng bước sang một trang mới nhưng số phận vẫn không buông tha anh.
Ganh ghét với sự thăng tiến quá nhanh của Hùng, người phụ trách kỹ thuật cũ đã thuê giang hồ “xử” anh. Thật oái ăm khi nhóm giang hồ được thuê “làm thịt” Hùng lại chính là “đàn em” cũ. Anh em gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, Hùng khuyên họ làm lại cuộc đời với lời dặn dò: “Khi nào muốn rửa tay gác kiếm, mấy chú cứ tìm đến anh!”.
Năm 2005, khi tay nghề đã cứng, Hùng gom hết số tiền dành dụm được (khoảng 47 triệu đồng) thuê một miếng đất ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn để mở xưởng điêu khắc. Thương “đàn em” sống kiếp đâm thuê chém mướn, Hùng khuyên bảo, rủ họ về cơ sở để anh dạy nghề, tạo việc làm. Khi “đàn anh” lên tiếng, lại được chứng kiến sự lột xác kinh ngạc của “đại ca” Hùng, họ nghe theo. Được Hùng hướng dẫn, kèm cặp, phần đông trong số họ đã thay tâm đổi tánh và chí thú học nghề. Tám năm mở xưởng, Hùng đã đích thân dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho 176 người, đa số là dân “giang hồ tứ chiếng” đã gác kiếm. Uy tín tay nghề, chất lượng sản phẩm cao nên cơ sở Hùng không thiếu việc làm cho công nhân. Không chỉ có tượng gỗ, cơ sở của Hùng còn lấn sang các sản phẩm khác như: bàn ghế, tranh khắc, nhà cổ...
Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng, chỉ tay vào những bức tượng ông Thiện, ông Ác cao hơn 2 m được chạm trổ hết sức tinh xảo và có hồn, Hùng khoe: “Đó là sản phẩm của những con người từng một thời lầm lỡ và tôi hạnh phúc vì sự tiến bộ của họ”. Cách đây không lâu, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) đại tu, cơ sở của Hùng nhận được hợp đồng “khủng”: Điêu khắc 180 bức tượng trị giá hàng tỉ đồng. Làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, thầy trò Hùng đã hoàn tất đơn hàng đòi hỏi yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, thẩm mỹ. Sau thành công này, tiếng tăm của Hùng “sầu” càng vươn xa. Tháng 11-2013, anh vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận “Nghệ nhân dân gian”. Cầm tấm bằng trên tay, Hùng “sầu” đã bật khóc vì hạnh phúc. Nhờ nghị lực quyết tâm đổi đời ấy, Hùng được nhiều cơ sở, trung tâm cai nghiện mời về giảng dạy cho học viên. Cảm mến nghị lực, tài năng của Hùng “sầu”, một nữ thợ may ở quận Phú Nhuận, TP HCM đã đồng ý kết bạn trăm năm.
“Những thăng trầm của bản thân đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều. Con người ta chỉ cần sống hướng thiện, sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội là cái tâm lúc nào cũng thanh thản. Giúp anh em lầm lỡ là cách tôi trả nợ đời. Hùng “sầu” trước đây đã chết rồi, giờ chỉ còn Dương Hùng sống vì nghề, vì người” -
Hùng bộc bạch.
Bình luận (0)