Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa hướng dẫn cụ thể về việc này thí điểm thực hiện đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Việc ký kết thỏa thuận thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho cấp phó sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các Bộ: Tư pháp, Tài chính, LĐ-TB-XH.
Căn cứ phạm vi thực hiện, cơ quan cấp tỉnh có thể giao cơ quan cấp huyện hoặc tổ chức sự nghiệp tại địa phương thực hiện việc phái cử lao động theo thỏa thuận, việc giao và cơ quan được giao phải được nêu rõ trong thỏa thuận. Nội dung của thỏa thuận về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc, bao gồm: Cơ quan thực hiện, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện cung ứng, tiếp nhận lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết, quy định về sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Thời hạn của Thỏa thuận thí điểm này không quá 2 năm kể từ ngày 1-1-2018.
Văn bản còn hướng dẫn về vấn đề chi phí đối với NLĐ như sau: cơ quan cấp tỉnh thỏa thuận, thống nhất với phía Hàn Quốc về trách nhiệm chi trả các chi phí cho người lao động, bao gồm: Phí khám sức khỏe, lý lịch tư pháp; Lệ phí làm hộ chiếu, làm thị thực (visa); Học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, bổ túc tay nghề và đào tạo tiếng Hàn (nếu có). Trên nguyên tắc phi lợi nhuận, cơ quan thực hiện có thể thu của người lao động một khoản chi phí hành chính chỉ để sử dụng với mục đích chi trả cho các hoạt động tuyển chọn, làm hồ sơ, tổ chức xuất cảnh, phối hợp hỗ trợ, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc. Cơ quan thực hiện chỉ thu phí sau khi ký hợp đồng phái cử với NLĐ theo mức phí do cơ quan cấp tỉnh quy định khi giao cơ quan thực hiện triển khai thỏa thuận. Bên cạnh đó, cơ quan cấp tỉnh quyết định các biện pháp ký quỹ, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, ký cam kết cá nhân, gia đình người lao động… phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, có biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động có thân nhân (bố, mẹ, anh, chị em, con ruột) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo NLĐ thực hiện đúng hợp đồng, hạn chế tình trạng bỏ ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.
Để tổ chức tốt hoạt động thí điểm đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương đảm bảo tuyển chọn lao động đúng đối tượng, tổ chức đào tạo đầy đủ cho NLĐ trước khi xuất cảnh; Kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất cảnh của NLĐ; Có chính sách, biện pháp phù hợp đảm bảo người lao động tuân thủ hợp đồng, về nước đúng hạn; Theo dõi, giám sát thực hiện hợp đồng lao động giữa NLĐ và người sử dụng lao động, phối hợp với địa phương Hàn Quốc giải quyết kịp thời các phát sinh.
Bình luận (0)