Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa đủ các điều kiện để tăng tuổi nghỉ hưu, bên cạnh đó việc lấy lý do tăng thêm tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ BHXH là không thuyết phục.
Thưa ông, dự thảo về việc tăng tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác là tăng thời gian làm việc vẫn đang có rất nhiều ý kiến trái ngược. Quan điểm của ông đối với việc tăng thêm thời gian làm việc này như thế nào?
PGS. TS Vũ Quang Thọ: Quan điểm của tôi nhất quán là thời điểm này chúng ta chưa thể tăng tuổi làm việc lên đối với lao động nói chung và đặc biệt đối với những người chuẩn bị nghỉ hưu. Vì có mấy lý do thế này: Thứ nhất là thể trạng người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung chưa cho phép kéo dài tuổi làm việc. Việc này đã được nghiên cứu kỹ từ các học giả học từ Pháp, từ châu Âu, chứ không phải riêng một, hai người ở Việt Nam nghĩ ra.
Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam hiện nay chưa thể tiêu thụ được hết số lao động hiện có. Cho nên mới có tình trạng nhiều người lao động (NLĐ) trong độ tuổi sung sức, trẻ khỏe không có việc làm. Trong số đó, tôi đặc biệt lưu ý đến đội ngũ lao động có trình độ cao, do người Việt Nam đào tạo ra hoặc cũng có thể được đào tạo từ nước ngoài về, đó là những cử nhân, những kỹ sư đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm, thậm chí trong số đó còn có cả những người đã học xong thạc sĩ, cao học. Số này theo con số thống kê hiện nay khoảng 280.000 người.
Trong các lý do thì tôi cho rằng lý do này là quan trọng nhất. Có nghĩa là nguồn nhân lực Việt Nam chúng ta chưa sử dụng hết. Thế mà bây giờ chúng ta lại trả lời cho tất cả các em của chúng ta ở tuổi vừa tốt nghiệp đại học rằng: "Thôi các em đúng là học giỏi thật, thông minh thật nhưng các em cứ chờ lại để cho các bác này nghỉ hưu đã. Các bác đã nghỉ hưu rồi nhưng các bác làm thêm mấy năm nữa để các bác ấy chính thức nghỉ rồi các em hãy vào làm" thì không thể nghe được. Nó vô lý lắm.
Viện Công nhân và Công đoàn đã từng có những nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này chưa, thưa ông?
Trong đợt khảo sát vừa qua chúng tôi khảo sát ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam với trên 5.000 phiếu hỏi. Tất nhiên ở đây chủ yếu là hỏi công nhân lao động, chứ không có những công chức, viên chức. Câu hỏi là các quý vị có muốn làm thêm sau 60 tuổi đối với đàn ông và sau 55 tuổi đối với phụ nữ không? Thì 90% trả lời rằng, họ xin được nghỉ đúng tuổi, họ không thể làm thêm được nữa và cũng không muốn làm thêm nữa.
Trong số 90% đó có khoảng gần 30% nói rằng, họ còn muốn nghỉ sớm hơn, họ muốn được nghỉ hưu và nhận tiền BHXH sớm hơn ở tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Đây tôi nói là dựa trên luận cứ về mặt khoa học và có cả khảo sát thực tiễn. Cho nên tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, chưa thể tăng tuổi làm việc với những người đã đến tuổi nghỉ hưu.
Có nhiều ý kiến nói rằng, lý do để tăng thêm tuổi làm việc là những người ở độ tuổi chuẩn bị về hưu họ có nhiều kinh nghiệm, trong khi đó họ còn có thể làm việc thì tận dụng chất xám của họ, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Mặc dù họ có những ưu điểm như: già dặn, có kinh nghiệm, có bản lĩnh, thế nhưng so sánh lại thì chưa chắc họ đã bằng những người trẻ. Những người sắp đến tuổi nghỉ hưu có thể nói với xã hội là "chúng tôi có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, hiểu biết doanh nghiệp hơn, có thực tiễn hơn".
Nhưng cũng chỉ có thể nói được như thế, còn lớp trẻ năng động, thích ứng với cái mới nhanh hơn và phần lớn được đào tạo cơ bản. Mà cái này lại đang cực kỳ cần thiết trong bối cảnh cách mạng 4.0 bây giờ. Đó là cái lý mà chúng tôi kiên trì đề nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội chưa nên kéo dài độ tuổi làm việc của những người đã đến tuổi nghỉ hưu.
Thế còn lý do mà người ta nhắc đến rất nhiều là để cân đối quỹ BHXH, ông nghĩ thế nào?
- Đây là tôi đang nói đến thị trường việc làm, còn thị trường bảo hiểm là câu chuyện khác. Hai thị trường này nó có khoảng cách. Tất nhiên có quan hệ nhưng nó có khoảng cách. Anh không thể lấy nhiệm vụ này ràng buộc sang nhiệm vụ kia. Nhiệm vụ quản lý quỹ là của cơ quan BHXH. BHXH được Nhà nước giao cho nhiệm vụ trông coi, quản lý quỹ. Người lao động người ta nộp đủ không thiếu đồng nào khi người ta trẻ khỏe thì anh phải trả lại cho người ta khi người ta về hưu.
Tôi nói thêm điều này nữa, hiện nay tổng số nhân viên của BHXH là 19.000 người, và đang sử dụng 6% số tiền lãi từ hoạt động của BHXH để trang trải những chi phí. Tại sao không giảm số lượng người xuống, khi đó chi phí giảm xuống thì sẽ đỡ được gánh nặng cho quỹ. Thêm nữa là BHXH đã thu được hết các nguồn đâu. Có nhiều đối tượng lẽ ra phải đóng nhưng BHXH cũng đã thu được đâu; thu không đủ thì làm sao lại cứ mang cái chuyện vỡ quỹ ra để dọa người lao động được.
Ở Việt Nam để có thể tăng tuổi làm việc, theo ông thực tế chúng ta phải cần những điều kiện gì?
Xu hướng chung của nhân loại là tăng thêm tuổi làm việc. Các nước như: Pháp, Đức… đã điều chỉnh tăng. Tăng vì mọi người cho rằng đây là một lợi ích. Nhưng đó là ở châu Âu, những nước phát triển. Còn chúng ta hiện nay đang thừa lao động, thiếu việc làm. Ở Việt Nam muốn kéo dài độ tuổi làm việc thì phải có những điều kiện như: GDP ở mức tăng trưởng cao, nhu cầu về lao động lớn. Như vậy thị trường Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động chứ không phải thiếu việc làm.
Thứ hai, những người kéo dài tuổi làm việc phải thực sự chứng minh là mình có kinh nghiệm, có trình độ, có bản lĩnh. Thứ ba là việc kéo dài tuổi làm việc phải thực sự đem lại lợi ích cho công nhân lao động. Chứ còn thêm được 1 người kéo dài tuổi làm việc nhưng 3 người khác lại mất việc làm thì không phải đem lại lợi ích.
Bình luận (0)