Vinh dự nhận bằng khen tại lễ trao giải hội thi “Học sinh, sinh viên giỏi nghề” lần VII năm 2015 do Thành đoàn TP HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, thí sinh Trần Văn Toàn, sinh viên (SV) Khoa Điện - Điện lạnh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP HCM, đã xúc động: “Tôi đã chạm tay đến cánh cửa nghề nghiệp và từ đây, cơ hội việc làm sẽ mở ra với nghề mà tôi đã chọn”.
Theo đuổi đam mê
Hành trình để thực hiện ước mơ nghề nghiệp của thí sinh Trần Văn Toàn khiến nhiều người khâm phục. Rời thủ đô Hà Nội để đến với thành phố mang tên Bác, Toàn đã quyết định chọn lĩnh vực kỹ thuật để gắn bó, theo đuổi. “Tôi chọn Trường Cao Thắng vì nơi đây có bề dày lịch sử cũng là cái nôi của những ngành kỹ thuật trong suốt những năm qua”. Để vượt qua 479 thí sinh và là người dẫn đầu với số điểm 29,4/30, Toàn đã phải nỗ lực hết mình trong chặng đường thi tài. Toàn nhớ lại: “Để đạt điểm cao nhất, trong lúc thi, tôi luôn cẩn thận trong từng thao tác. Những lúc sửa chữa, kiểm tra hay hàn lại những đầu dây trong các sản phẩm, tôi đều hết sức chú ý vì nếu chỉ sai một chi tiết sẽ dẫn đến sai cả hệ thống”. Trong quá trình thi, Toàn đã vận dụng hết những kiến thức đã học vào bài thực hành và chính điều đó đã giúp Toàn có điểm số khá cao.
Với tổng số điểm 27,2/30, Nguyễn Thị Thùy Dung, SV Trường Cao đẳng Bách Việt (TP HCM), vinh dự là thí sinh có số điểm cao nhất của ngành giáo viên mầm non. Với Thùy Dung, những buổi thi lý thuyết và thực hành đã giúp cô trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. Ở phần thi thực hành, Dung đã trở thành cô giáo chăm sóc các em bằng những động tác dỗ dành đầy yêu thương.
“Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành cô giáo mầm non vì tôi luôn muốn được gần gũi, chăm lo, dạy dỗ các em. Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè và cả thầy cô giáo, tôi đã chọn nghề giáo” - Thùy Dung tâm sự.
“Cháy” hết mình với nghề nghiệp
Ở các vòng thi, hầu hết thí sinh đều thể hiện niềm đam mê của bản thân với nghề nghiệp. Hai lần thi trượt đại học nhưng thí sinh Đỗ Thanh Thư, SV hệ trung cấp dược Trường ĐH Y Dược TP HCM, vẫn không từ bỏ ước mơ trở thành dược sĩ. Thanh Thư kể: “Tuy không đậu đại học nhưng tôi vẫn quyết định chọn nghề dược bằng cách theo học hệ trung cấp. Ban đầu, tôi cũng gặp sự phản đối của gia đình vì mọi người cho rằng học nghề rất khó tìm việc. Tôi đã cố gắng thuyết phục gia đình và họ đã đồng ý. Tôi luôn quan niệm hãy khởi đầu niềm đam mê bằng việc biến ước mơ thành hiện thực thì chắc chắn bạn sẽ được đền đáp xứng đáng”. Và Thanh Thư đã được đền đáp khi đoạt giải tại hội thi tay nghề với số điểm cao nhất của ngành dược.
Thanh Thư cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của mình bằng đường “vòng”, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, cô sẽ học liên thông lên cao đẳng và cao hơn sẽ là đại học với ngành dược đã chọn.
Thành công ở cuộc thi cũng là bước khởi đầu cho các thí sinh trong chặng đường đến với nghề nghiệp sau này. Giống như sự chia sẻ của Trần Văn Toàn: “Tôi chỉ mong trở thành một người thợ giỏi, đem kiến thức của mình phục vụ xã hội. Khi tôi có đam mê, cháy hết mình với niềm đam mê đó thì tôi sẽ thành công”.
Sân chơi bổ ích
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM, thành viên ban chỉ đạo hội thi: “Cuộc thi thực sự là một sân chơi bổ ích, giúp thí sinh định hướng nghề nghiệp của chính mình. Thông qua cuộc thi, các thí sinh sẽ cọ xát công việc thực tế của bản thân nhằm nâng cao kiến thức, vững tay nghề”.
Bình luận (0)