"Trung bình mỗi năm, tỉnh thiếu khoảng 10.000 lao động. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã thiếu khoảng 6.500 lao động, nhất là các ngành may mặc, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch" - ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Chỗ nào cũng thiếu
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, đơn vị quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tuyển dụng ở các KCN rất lớn, chỉ riêng KCN Suối Dầu qua thống kê đã thiếu khoảng 1.700 lao động. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Phát triển trang phục nữ kiểu Pháp cần 700 lao động trong năm 2017 nhưng từ đầu năm đến giờ mới tuyển được 200 người. Tương tự, Hải Vương Group gồm 4 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thủy sản đang cần tuyển thêm khoảng 500 công nhân nhưng tìm không ra nguồn.
Ngành du lịch Khánh Hòa thiếu 10.000 lao động mỗi năm nhưng đang “thừa thầy, thiếu thợ”
Trong lĩnh vực du lịch, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, dẫn chứng năm 2010, toàn tỉnh có 30.000 lao động trong lĩnh vực du lịch với hơn 11.000 phòng khách sạn. Đến năm 2017, số phòng đưa vào khai thác đã lên đến 27.000 nên nhu cầu lao động cũng tăng mạnh. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh cần thêm khoảng 40.000 lao động trực tiếp, tương đương mức tăng khoảng 10.000 lao động/năm khi một loạt dự án du lịch ở Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và hàng loạt khách sạn lớn được xây dựng ở TP Nha Trang hoàn thiện.
Tốt nghiệp đại học, phải học lại sơ cấp!
Ông Mai Xuân Trí cho biết 65%-70% số lao động thiếu là lao động phổ thông, còn lại là lao động kỹ thuật, có tay nghề. Vừa qua, để giải quyết nhu cầu lao động cho KCN Suối Dầu, sở đã tổ chức ngày hội việc làm tại Cam Ranh và Nha Trang. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ tuyển được vài chục công nhân, thậm chí có lần chỉ được... 6 người. "Các DN kêu thiếu nhưng khi mở ngày hội việc làm thì tham gia ít. Bên cạnh đó, chế độ lương, thưởng thấp, đi lại xa nên rất khó tuyển được lao động. Cái vòng luẩn quẩn là lương chỉ 2,5-3 triệu đồng/tháng, người lao động (NLĐ) không đủ sống nên chỗ nào trả cao hơn là "nhảy việc", khi đó DN lại thiếu lao động. Muốn giữ NLĐ thì cả DN và NLĐ phải cân bằng lợi ích thì mới kết nối lâu dài được" - ông Trí nói.
Tương tự, trong 10.000 lao động còn thiếu mỗi năm của ngành du lịch thì có khoảng 8.000 lao động trực tiếp và 1.300 lao động trong hoạt động lữ hành. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Chị Phan Tường Vi (nhân viên khu nghỉ dưỡng Anna Mandara) cho biết chị tốt nghiệp ngành quản trị du lịch Trường Đại học Kinh tế Huế nhưng khi ra làm việc phải học thêm sơ cấp nghề mới được DN bổ nhiệm vị trí mới, nâng lương.
Có một thực tế là các đơn vị lưu trú đang thiếu lao động ở những vị trí như buồng, đầu bếp, pha chế, nhân viên phục vụ... Các đơn vị này muốn xếp hạng sao thì phải đủ tiêu chí, trong đó có các chứng chỉ đào tạo nghề cho nhân viên. Nhưng khi kiểm tra hồ sơ, nhân viên đa số đều có trình độ đại học mà thiếu các chứng chỉ này nên không được xếp hạng.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong phiên họp HĐND tỉnh mới đây cũng đã thừa nhận: "Hiện nay tại Khánh Hòa, rất nhiều lĩnh vực, nghề trong du lịch không cần đến tốt nghiệp đại học nhưng hầu hết lao động là đại học".
Trường nhiều nhưng không đào tạo đủ nhân lực
Theo khảo sát của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, hơn 92% lao động khi tuyển dụng có trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu; 84% thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế, phải đào tạo lại. Trong khi đó, Khánh Hòa có 4 trường đại học có khoa du lịch và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch. Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo các lĩnh vực liên quan đến nghề du lịch cho khoảng 4.000 sinh viên, học viên.
Bình luận (0)