Doanh nghiệp xem hồ sơ ứng viên tại Phòng Dịch vụ - Việc làm Báo Người Lao Động Ảnh: CAO HƯỜNG
“Đỏ mắt” tìm người
Đăng ký tuyển dụng tại Phòng Dịch vụ - Việc làm Báo Người Lao Động đã hơn 1 tháng nhưng Công ty Đầu tư XNK - Thương mại PTM (quận Tân Phú, TP HCM) vẫn chưa tìm được người cho vị trí trưởng phòng kinh doanh. Yêu cầu công ty đưa ra là ngoài yếu tố chuyên môn, ứng viên phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, biết chủ động tìm kiếm đối tác để phát triển mạng lưới phân phối, từng bước mở rộng thị trường.
“Công ty đang trong giai đoạn phát triển, cần mở rộng thị trường nên rất cần người đủ năng lực đảm nhận trọng trách. Chúng tôi sẵn sàng “trải thảm đỏ” để kêu gọi nhân tài nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người thích hợp” - bà Lê Thị Ngọc Trân, phụ trách nhân sự của công ty, lo ngại.
Đăng tuyển vị trí trưởng phòng điều hành trên các website việc làm đã lâu nhưng Công ty CP Phát Hưng Thịnh (quận 9, TP HCM) cũng chưa tìm được ứng viên nào sáng giá. Ông Nguyễn Quang Đạo, phụ trách nhân sự của công ty, cho biết: “Từ khi chúng tôi đăng tuyển, cũng có một số ứng viên nộp hồ sơ nhưng chưa ai nổi trội và đáp ứng được yêu cầu công ty đặt ra”.
Không riêng những DN trên, hiện nay, nhiều đơn vị lớn như Tập đoàn Logigear, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Shop), Công ty TNHH TM-SX Nhôm Inox Kim Cương… cũng ráo riết tuyển dụng nhiều vị trí quản lý và công việc cần chuyên môn, tay nghề cao.
Nguồn cung vừa thiếu vừa yếu
Thống kê của Mạng cộng đồng các nhà quản lý (Anphabe) cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao của DN không ngừng tăng trong năm 2013. 6/11 công ty “săn đầu người” chuyên tuyển dụng nhân lực cấp cao cho các DN hàng đầu Việt Nam dự báo thị trường tuyển dụng nhân lực cao cấp tiếp tục tăng 10%-20% trong vòng 6-12 tháng tới. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là: Hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, giáo dục, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và du lịch, dịch vụ.
Theo ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam, đối với ngành kỹ thuật, việc tuyển thẳng lao động cấp quản lý là không dễ vì những người có kinh nghiệm thường bị hạn chế về ngoại ngữ. Tại Công ty Robert Bosch, 40 vị trí quản lý là do người nước ngoài đảm nhiệm. Công ty vừa bổ nhiệm 1 giám đốc kinh doanh vào tháng 8-2013. Ông Huệ cho biết: “Đây là người Việt đầu tiên giữ vị trí này. Tìm lao động trong nước có đủ các tiêu chí để giữ chức vụ quản lý thực sự rất khó”.
Nói về tình hình thị trường lao động từ đầu năm 2013 đến nay, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Navigos, nhận định: Nhà tuyển dụng luôn cần nhân sự từ cấp trung trở lên để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh dù DN vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và có xu hướng cắt giảm người. “Càng khó thì DN càng cần người tài. Vì thế, nhân sự cấp quản lý vẫn được tuyển dụng đều đặn” - bà Vân Anh cho hay.
Theo ông Keng Chong Yan, diễn giả của Học viện Đào tạo và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương, DN cần có chiến lược phát triển nhân tài để giữ người trong thời suy thoái. Ngoài việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, DN nên chú trọng tạo môi trường phát triển cho cá nhân và nhiều chương trình cải cách trong quản lý nhân sự, chế độ phúc lợi cho nhân viên… |
Bình luận (0)