xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO (*): Cần chính sách hỗ trợ dài hơi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao là bài toán khó, cần sự chung tay phối hợp giải quyết từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và trường dạy nghề

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 5 năm tới, 1/3 công việc sẽ thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.

Lao động Việt Nam "thua" trên sân nhà

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay, chỉ 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, khoảng 30%-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ và đến năm 2030 đạt 40%-45%. Đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn và đưa ra giải pháp là đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng công nghệ mới thông qua doanh nghiệp (DN) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào quý II/2022, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Nhờ dự báo sớm nên chúng ta đã không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và tạo ra được thị trường lao động tương đối ổn định. Hiện thị trường lao động trong nước phục hồi khả quan nhưng vấn đề là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi lẽ, thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ DN này sang DN khác.

Vì vậy, các DN buộc vừa phải tiếp nhận nhưng vừa phải bồi dưỡng lao động. Với những ngành nghề công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động. Song, với những ngành nghề công nghệ, kỹ thuật cao thì đòi hỏi phải có thời gian phục hồi và lực lượng lao động chất lượng cao".

KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO (*): Cần chính sách hỗ trợ dài hơi - Ảnh 1.

Lao động kỹ thuật cao làm việc trong phòng nghiên cứu của Công ty CP Nhà máy Trang thiết bị y tế USM Healthcare Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá hiện nay, Việt Nam rất thiếu nguồn lao động chất lượng cao, nhất là ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm. "Các tập đoàn lớn của thế giới đến sản xuất tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng hiện nay, cả số lượng và chất lượng đều chưa đáp ứng được. Thực tế, có hàng trăm ngàn chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Việt Nam" - ông Tiến dẫn chứng.

Theo ông Tiến, rất nhiều chủ sử dụng lao động đều muốn tuyển người Việt Nam làm chuyên gia, bởi tuyển người nước ngoài thì chi phí cao và thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh kỹ năng, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ là rào cản lớn để người Việt Nam được tuyển dụng vào những vị trí lao động chất lượng cao.

"Hầu hết chủ sử dụng lao động người nước ngoài chỉ giỏi tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của họ. Trong khi đó, hầu hết người lao động Việt Nam không giỏi tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ của chủ sử dụng lao động thì rất khó giao tiếp" - ông Tiến lý giải.

Đào tạo nghề chất lượng cao phải là mũi nhọn

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết trong tương lai, việc thu hút đầu tư của tỉnh này sẽ ưu tiên đối với ngành nghề ít thâm dụng lao động, tập trung vào ngành nghề có công nghệ cao để tăng năng suất. Qua đó, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của địa phương, tăng trưởng nhanh, sớm thoát khỏi mức thu nhập trung bình hiện nay để vươn lên địa phương có mức thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bình Dương đòi hỏi nhiều lao động có trình độ, tay nghề. Nhiều năm qua, mặc dù tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn, song cái khó hiện nay là giữa DN và cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Tại Diễn đàn Chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam với chủ đề "Đào tạo nghề cho thanh niên" vừa diễn ra, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Chính phủ đã có quy hoạch phát triển các trường chất lượng cao, được phê duyệt theo Quyết định 2239 của Thủ tướng về chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Dự kiến đến năm 2025, chúng ta sẽ có 70 trường chất lượng cao, 130 ngành nghề trọng điểm ở các cấp độ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành nghề, lĩnh vực liên quan công nghệ cao và chất lượng cao" - ông Dũng nói.

Chính phủ cũng đã cho phép chuyển giao những chương trình đào tạo của các quốc gia phát triển để Việt Nam có thể đào tạo, cấp bằng tương đương với các nước này. Hiện tại, Việt Nam có 25 trường đạt tiêu chuẩn đào tạo theo chương trình của Úc, 45 trường đạt tiêu chuẩn theo chương trình đào tạo của Đức và đang tiếp tục triển khai nhiều trường.

Mặt khác, Chính phủ cũng đã có chính sách phân luồng hướng nghiệp cho học sinh sau bậc học THCS, THPT. Đây là chính sách quan trọng để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh và thanh niên ngay sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.

Kết nối doanh nghiệp và trường nghề

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhận định tình trạng thiếu lao động chất lượng cao là bài toán khó, cần sự chung tay phối hợp giải quyết từ phía cơ quan quản lý nhà nước, DN và trường dạy nghề. Theo ông Huân, hiện đã có định hướng, chiến lược khá cụ thể liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tập trung vào đào tạo tại trường dạy nghề và nhà nước hỗ trợ DN tự đào tạo. Với hình thức đào tạo tại trường dạy nghề, ngoài việc DN chủ động kết nối, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc kết nối DN với trường. Còn với hình thức DN tự đào tạo, Luật Dạy nghề và các chương trình hiện có đã quy định rõ về vai trò của nhà nước trong hỗ trợ DN.

"Chính sách đã có đủ nhưng vẫn để xảy ra tình trạng thiếu lao động chất lượng cao, DN khó tuyển lao động chất lượng cao là do việc triển khai thực hiện cụ thể chưa rõ ràng, có tình trạng trên nóng dưới lạnh" - ông Huân chỉ rõ.

Góp ý cụ thể, ông Huân nhấn mạnh 2 nhóm giải pháp hỗ trợ liên quan tài chính và cơ chế. Về mặt tài chính, cần tính toán hỗ trợ DN theo hướng trợ cấp, hỗ trợ thêm cho người được đào tạo; hỗ trợ DN trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ... đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu đào tạo và sử dụng nhân lực chất lượng cao. Về mặt cơ chế, nhà nước cần hỗ trợ DN liên kết với cơ sở đào tạo phù hợp; cho DN cơ chế phối hợp đào tạo lao động cùng các trường dạy nghề hoặc đặt hàng đào tạo theo nhu cầu.

H.Dương

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-4

Kỳ tới: Doanh nghiệp chủ động đào tạo

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo