Phát triển làng nghề gắn với du lịch là giải pháp khá phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay để tỉnh Quảng Nam vực dậy các làng nghề đang bên bờ vực thẳm. Tuy nhiên, việc đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm cộng với cách triển khai thiếu đồng bộ đã không mang lại hiệu quả dù chi ra khá nhiều tiền.
Làng nghề dần mai một
Với kỳ vọng vực dậy làng nghề, từ năm 2000, tỉnh Quảng Nam đã thành lập đề án đưa làng nghề vào khai thác du lịch với hàng loạt kế hoạch. Tháng 4-2015, UBND tỉnh tiếp tục ban hành đề án phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí 85 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh thực hiện cuối tháng 9 vừa qua cho thấy bức tranh làng nghề xứ Quảng khá ảm đạm.
Trong 31 làng nghề được tỉnh công nhận có 3 làng nghề không còn tồn tại. Trong 29 làng nghề còn lại có rất ít làng nghề mà người làm nghề có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng trở lên, có một số làng nghề chỉ cho thu nhập 500.000 đồng/người/tháng. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã sử dụng rất nhiều từ ngữ như “rất khó khăn”, “hoạt động cầm chừng”, “không ổn định”, “có nguy cơ mai một”, “dần mai một”… để diễn tả thực trạng của các làng nghề.
Viễn cảnh du khách nườm nượp đến tham quan và mua sản phẩm, lao động địa phương được giải quyết công ăn việc làm như kỳ vọng của các đề án đã không trở thành hiện thực. Các nghệ nhân lão làng lần lượt qua đời, không có người thay thế; sản phẩm bị làm giả, lai tạp, không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, sản xuất đình trệ. Các hộ làm nghề lâu đời bắt đầu bán máy móc, công cụ sản xuất hoặc nếu làm nghề thì cũng bắt đầu rẽ những con đường khác, biến thể sản phẩm và tự mày mò tìm đường tiêu thụ.
Dù được đầu tư khá mạnh nhưng trong các làng nghề vang bóng một thời như mộc Kim Bồng, lụa Mã Châu, đúc đồng Phước Kiều, gốm Thanh Hà…, chỉ có mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà (đều ở Hội An) được đưa vào lộ trình tour, tuyến du lịch. Riêng đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn), làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên) và nhiều làng nghề khác phải gác lại ước mơ sống nhờ du lịch vì không thể vực dậy.
Để không theo “vết xe đổ”
Theo nghệ nhân ở các làng nghề, sở dĩ thời gian qua dù được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng các làng nghề vẫn không được khôi phục và phát triển là bởi sự đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm, không xem xét các làng nghề cần gì mà chỉ thực hiện theo ý chủ quan của chính quyền. Lãng phí cũng bắt nguồn từ đây từ cách thức xây dựng và hoạt động của các nhà truyền thống làng nghề đến việc mua sắm máy móc, trang thiết bị trong khi không nắm về thực trạng hoạt động của làng nghề. Hậu quả là hầu hết nhà truyền thống làng nghề đều cửa đóng then cài quanh năm. Điển hình như làng đúc đồng Phước Kiều, cách đây hơn 10 năm, làng nhận kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng thì địa phương đã chi khoảng 80% để xây nhà trưng bày. Xây xong thì đóng cửa đến bây giờ.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết kết quả khảo sát do sở thực hiện vừa qua đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, tồn tại khiến làng nghề ngày càng bị thu hẹp. Sở cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp trong thời gian tới như thực hiện quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, có các cơ chế ưu đãi trong vay vốn phát triển nghề…
Tiếp tục… họp để bàn cách tháo gỡ!
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết để tránh tình trạng đi theo “vết xe đổ” như trước đó, tỉnh đã giao cho Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị để bàn giải pháp phát triển làng nghề vào cuối tháng 11 này. Hội nghị sẽ mời đại diện địa phương có làng nghề, các sở - ban ngành và đại diện các làng nghề để lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc mới có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển làng nghề trong thời gian tới.
Bình luận (0)