“Thủ tục phá sản quá nhiêu khê nên việc xử lý tài sản doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn gần như không lối ra. Máy móc sau một thời gian dài không sử dụng đã xuống cấp, giá trị không còn bao nhiêu. Các ngành chức năng cần nghiên cứu, xử lý vụ việc theo hướng đơn giản hơn để giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công nhân (CN)”. Đó là kiến nghị của LĐLĐ TPHCM mới đây về việc xử lý tài sản tại các DN có chủ bỏ trốn.
Máy móc thành sắt vụn
Tháng 10-2006, do làm ăn thua lỗ, ông Kim Chang Ho, Giám đốc Công ty Hojin (100% vốn Hàn Quốc, quận Bình Tân - TPHCM), bỏ trốn khi còn nợ 234 triệu đồng lương tháng 8 và tháng 9-2006 của CN (chưa kể trợ cấp thôi việc và BHXH). Ngay khi vụ việc xảy ra, các ngành chức năng quận Bình Tân đã niêm phong tài sản DN. Thế nhưng, gần 6 năm trôi qua, việc xử lý tài sản DN vẫn giậm chân tại chỗ khiến 157 CN chờ đợi mỏi mòn.
Tìm đến trụ sở công ty chiều 18-4, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy nhà xưởng xuống cấp thảm hại. Ông Du Tấn Phương, một bảo vệ canh giữ tài sản công ty, lắc đầu: “Toàn bộ máy móc giờ chỉ còn là đống sắt vụn. Có thanh lý được thì cũng chỉ bán theo giá ve chai”.
Bi đát không kém là số máy móc trị giá cả tỉ đồng của Công ty Magnicon (100% vốn Đài Loan, quận 12 - TPHCM). Cách đây 2 năm, do làm ăn thua lỗ, giám đốc công ty là ông Lai Chun Nam cũng “cao chạy xa bay”, nợ lương và BHXH hơn 1,6 tỉ đồng. Thời điểm đó, công ty vẫn còn hàng trăm máy may có giá trị, được các cơ quan chức năng quận 12 niêm phong chờ... xử lý. Ông Hồ Phước Hiền, một nhân viên bảo vệ tại đây, xác nhận máy móc vẫn còn niêm phong nhưng chắc chắn đã xuống cấp bởi nhiều năm liền bỏ không.
Trong khi đó, lúc ông Cho Yong Rak, Giám đốc Công ty Haek Wang Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn - TPHCM), bỏ trốn vào tháng 9-2012, số thiết bị máy móc, hàng thành phẩm có giá trị lớn cũng được các ngành chức năng huyện niêm phong rồi... để đó.
Cơ quan chức năng lúng túng
Sau những động thái quyết liệt của LĐLĐ huyện Hóc Môn tháng 8-2012, các ngành chức năng đã kê biên, xử lý tài sản Công ty Haek Wang Vina trong sự vui mừng của tập thể CN. Thế nhưng, sau đó, không hiểu vì lý do gì, việc thanh lý tài sản tiếp tục bế tắc. Trong quá trình khởi kiện, do vướng thủ tục pháp lý nên hồ sơ nhiều lần bị tòa chuyển trả khiến CN mất thời gian đi lại. “Rất nhiều CN có đơn kiện nhưng đến giờ, tòa vẫn chưa trả lời có đủ điều kiện thụ lý hay không” - CN Nguyễn Văn Sơn bày tỏ thất vọng.
Còn tại Công ty Hojin, trước khi “trốn” về nước, giám đốc Kim Chang Ho ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hậu, kế toán trưởng, giải quyết các vấn đề phát sinh, trong đó có quyền lợi CN. Thế nhưng, do ủy quyền chưa hợp lệ (không ủy quyền giải quyết tài sản) nên việc mở thủ tục phá sản không tiến hành được.
Đối với gần 300 CN Công ty Magnicon, dù đã ủy quyền cho LĐLĐ quận 12 khởi kiện ra tòa nhưng vẫn không có hy vọng đòi được quyền lợi. Gặp chúng tôi mới đây, bà Lê Thị Hai, nguyên chủ tịch Công đoàn Công ty Magnicon, buồn bã: “Tòa nói LĐLĐ quận không thể đại diện cho tập thể CN khởi kiện mà buộc từng người phải làm đơn khởi kiện cá nhân. Đơn nộp thì bị hành lên hành xuống, phải đi tới đi lui để bổ sung khiến hầu hết CN chán nản, bỏ cuộc”.
Đơn giản thủ tục phá sản DN Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định: Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng lúng túng là do Bộ Luật Lao động và các bộ luật liên quan không quy định rõ tiêu chí xác định như thế nào là “bỏ trốn”. Thực tế này khiến việc giải quyết hậu quả liên quan, đặc biệt là quyền lợi người lao động, thường rơi vào ngõ cụt. Ngoài đơn giản hóa thủ tục phá sản DN, LĐLĐ TP kiến nghị các bộ, ngành sớm nghiên cứu làm rõ những yếu tố xác định chủ DN bỏ trốn, tạo cơ sở pháp lý giải quyết nhanh chóng các vụ việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. |
Bình luận (0)