UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hiện trên địa bàn Khu Kinh tế (KKT) và KCN tỉnh có 231/284 dự án, trong đó có 3 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân (CN) KCN do các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước làm chủ đầu tư và đang hoạt động. Dù được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương và người dân nhưng việc phát triển dự án thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội (NƠXH).
Chưa có dự án nào hoàn thành
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, tỉnh chưa có dự án NƠXH nào được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện chỉ có dự án khu nhà ở CN của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (TP Tam Kỳ) có diện tích khoảng 5,1 ha, hoàn thành giai đoạn 1, với 200 căn phục vụ nhu cầu CN của công ty.
Ông Nguyễn Kỳ Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam, cho rằng hằng năm, đơn vị đều được giao nhiệm vụ khảo sát nhu cầu mua NƠXH tại các KCN mà đơn vị quản lý. Kết quả khảo sát cho thấy có nhiều CN mong muốn mua NƠXH với mức giá vừa phải, phù hợp với thu nhập của họ. "Hiện số lượng CN đăng ký mua NƠXH ở cấp Công đoàn cơ sở lên đến hàng trăm người. Họ mong có nhà ở với diện tích tối thiểu 20 m2, tối đa 50 m2, giá trung bình khoảng 200 - 300 triệu đồng" - ông Vĩnh nói.
Dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã triển khai 13 năm nhưng mới xây dựng vài hạng mục. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Nói về những khó khăn trong triển khai phát triển NƠXH trên địa bàn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết do đặc tính, thói quen của người dân địa phương luôn muốn sở hữu tài sản riêng về đất đai lâu dài. Hiện giá một lô đất ven đô dưới 1 tỉ đồng, so với giá một căn hộ NƠXH tại trung tâm khoảng 500-600 triệu đồng thì người dân muốn sở hữu đất nền và tích lũy xây nhà, đầu tư từng phần. Ngoài ra, người dân được tự do lựa chọn quy mô, vị trí khi mua dự án nhà ở thương mại để thuận lợi hơn trong thụ hưởng các tiện ích xã hội và các nhu cầu sinh hoạt hơn là bó buộc tại một vị trí dự án tại các khu vực chưa có các dịch vụ tiện ích.
Lý do khác là nhà đầu tư thường quan tâm đến dự án nhà ở thương mại, ít quan tâm loại hình dự án NƠXH do thủ tục kéo dài nhưng lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó là các vướng mắc trong tiếp cận, thủ tục đầu tư NƠXH. "Thời gian sắp tới, Quảng Nam sẽ bố trí quỹ đất và đề xuất danh mục thực hiện các dự án NƠXH, nhà ở CN KCN; dành quỹ đất phát triển NƠXH trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở" - ông Lê Trí Thanh cho hay.
Thủ tục nhiêu khê
Theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn NƠXH và đến năm 2030 là 7.600 căn NƠXH. Tuy nhiên, các dự án về NƠXH cho CN tại Quảng Ngãi hầu như chưa triển khai.
Theo thống kê, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có hơn 70.000 lao động nhưng chỉ có các DN lớn đầu tư nhà ở cho CN của mình với khoảng 1.612 căn hộ. Còn lại CN ở các DN khác phải tự thuê nhà ở với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt và các thiết chế văn hóa chưa bảo đảm. Tương tự, tại xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) có 2 KCN là VSIP Quảng Ngãi và Tịnh Phong với hàng chục ngàn lao động. Thế nhưng, địa phương này hiện chưa có dự án NƠXH nào triển khai, phần lớn người lao động (NLĐ) đang làm việc tại đây tự thuê nhà trọ để ở.
Năm 2019, tỉnh đã chấp thuận việc giao 2 ha đất ở xã Tịnh Phong cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây nhà ở CN. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025 để giúp NLĐ an tâm sản xuất nhưng vì một số vướng mắc nên dự án vẫn chưa thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho CN tại KKT và các KCN nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào đăng ký. Do thủ tục đầu tư NƠXH, nhà ở CN còn phức tạp, nhiều điều kiện ràng buộc (đối tượng mua nhà, điều kiện mua nhà, định mức lợi nhuận, nguồn vốn, thời gian thu hồi vốn chậm...) nên các nhà đầu tư chưa quan tâm, trong khi nguồn vốn ngân sách cho vay còn hạn chế.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc đầu tư xây dựng nhà ở cho CN bằng nguồn vốn ngân sách là rất ít, trong khi thu hút đầu tư bằng nguồn vốn khác rất khó khăn. "Nguyên nhân chủ yếu là do việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp, vì vậy nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức" - ông Minh nói.
Làm rõ trách nhiệm
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh làm rõ trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm trễ trong việc xây dựng phương án giá đất cụ thể dự án khu nhà ở CN Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (giai đoạn 1). Dự án được giao cho công ty này thuê đất năm 2016, nay đã 7 năm nhưng chưa xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá đất cụ thể để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước là quá chậm trễ. Nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh.
Bình luận (0)