Do kiến thức pháp luật hạn chế nên khi quyền lợi bị xâm phạm, phần lớn người lao động (NLĐ) thường giao phó hết cho luật sư hoặc người đại diện trong quá trình kiện tụng hoặc khiếu nại. Thế nhưng, trong nhiều tình huống, NLĐ lâm vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí gánh thêm thiệt thòi bởi sự cả tin của mình.
5 năm theo kiện chẳng được gì hơn
Điển hình là trường hợp chị N.T.H.P, làm việc cho một công ty với hợp đồng thử việc 2 tháng. Thời điểm chị P. kết thúc thời gian thử việc cũng là lúc công ty gặp xáo trộn về nhân sự lãnh đạo. Do công ty tạm thời không có người đại diện pháp luật trong nhiều tháng sau đó nên không ai quyết định được việc có ký tiếp hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chị P. hay không.
Chị P. vẫn tiếp tục làm việc bình thường trong 4 tháng tiếp theo thì công ty có người đại diện pháp luật mới. Khi phòng nhân sự thông báo chị P. thử việc không đạt yêu cầu, lãnh đạo công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng thử việc với chị. Cho rằng công ty đã làm sai luật khi chậm thông báo kết quả thử việc cũng như chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình, chị P. khởi kiện công ty.
Một buổi tư vấn cho công nhân khởi kiện đòi quyền lợi của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM
Theo lời kể của chị P., sau thời gian 2 tháng thử việc, có lần công ty đưa chị ký một bản HĐLĐ không xác định thời hạn. Tuy nhiên, do người đại diện pháp luật của công ty không có mặt nên HĐLĐ đã không được ký. Sau nhiều lần hòa giải, phía công ty nhận sai và đề nghị bồi thường 200 triệu đồng cho chị P. Tuy nhiên, luật sư do chị P. thuê dù không có bản HĐLĐ không xác định thời hạn (theo như trình bày của chị P.) trong tay vẫn "xúi" chị khởi kiện để đòi bồi thường mức tiền cao hơn.
Tại phiên xử sơ thẩm, cho rằng hợp đồng thử việc của chị P. chỉ có thể chuyển thành HĐLĐ xác định thời hạn một năm, nên tòa bác yêu cầu bồi thường của chị P. và hạ mức bồi thường xuống chỉ còn 50 triệu đồng. Được luật sư tư vấn, chị P. kháng cáo, yêu cầu tòa án buộc công ty phải đưa ra bản HĐLĐ không xác định thời hạn. Tuy nhiên, công ty phủ nhận không có bản HĐLĐ này, kết quả là tòa phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm. "Mất 5 năm đi kiện, rốt cuộc tôi chẳng được gì hơn? Đặt niềm tin hết vào luật sư, rõ ràng trong vụ này tôi là người chịu thiệt" - chị N.T.H.P bày tỏ thất vọng.
Tự rước thiệt thòi
Tương tự là trường hợp chị N.T.T.T. Lấy lý do tái cơ cấu, công ty đã giải thể bộ phận nơi chị T. đang làm việc và cho chị thôi việc. Phát hiện công ty vẫn tuyển người mới vào vị trí công việc mà mình từng làm, chị T. quyết định thuê luật sư khởi kiện doanh nghiệp.
Chị T. cho biết qua trao đổi, luật sư chị thuê nhiều lần khẳng định vụ kiện này sẽ chắc thắng 100%. Tin tưởng, chị T. giao hết cho luật sư đại diện ủy quyền tham gia tố tụng. Ngoài phiên hòa giải không thành, các lần còn lại chị đều ủy quyền cho luật sư làm việc. Đến gần ngày mở phiên xử, chị T. được đồng nghiệp thông tin rằng phía công ty có những động thái rất lạ với luật sư do chị thuê. Liên hệ với luật sư, chị cũng cảm nhận thái độ khó hiểu của vị này. Thay vì đi trực tiếp tham gia tố tụng, luật sư này cho biết sẽ cử người đại diện để trình bày ý kiến tại tòa. Đến giờ chót, người đại diện do luật sư cử đến không trình bày nội dung khiếu nại tại tòa mà giao lại cho chị T. Do bản lập luận của luật sư soạn sẵn quá sơ sài, chứng cứ lỏng lẻo nên tòa bác đơn kiện của chị T.
Thua kiện, vì quá bức xúc, chị T. quyết định tự mình thu thập lại hồ sơ chứng cứ. Lúc này, chị phát hiện có những chứng cứ quan trọng rất có lợi cho mình nhưng đã bị luật sư kia ngó lơ. Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan quản lý lao động đã có văn bản khẳng định công ty đã sai không tuân thủ đúng trình tự luật định khi sa thải chị. "Đến giờ này, tôi không hiểu vì sao luật sư của tôi lại không hề đưa những chứng cứ này ra tòa? Thiếu kiến thức và cả tin, tôi tự rước thiệt thòi về mình" - chị T. chia sẻ.
Luật sư LÊ TRỌNG THÊM, Công ty Luật LTT & Lawyers:
Phải phân tích thiệt hơn cho thân chủ
Các vụ án về tranh chấp lao động thường rất phức tạp, thông tin và tài liệu mỗi bên đều nắm giữ cho riêng mình. Theo kinh nghiệm của tôi, luật sư không nên đưa ra các nhận định chủ quan về khả năng thắng kiện một cách thái quá để tránh bị khách hàng hiểu nhầm. Đặc biệt là không nên dựa hoàn toàn trên thông tin một chiều của một trong hai bên để đưa ra các nhận định không toàn diện. Ngoài ra, luật sư trong suốt quá trình cần thông báo rõ ràng một kế hoạch thực hiện công việc để khách hàng biết. Luật sư cũng cần cân nhắc với khách hàng về hướng giải quyết vụ việc và đặc biệt cần tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng các quyền quyết định của thân chủ và thường xuyên báo cáo thông tin vụ việc.
Bình luận (0)