Bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua nỗi đau về thể xác, phấn đấu vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Năm 2010, khi mới 28 tuổi - độ tuổi sung sức nhất của một thanh niên với nhiều hoài bão - thì tai họa ập đến với anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1982; ngụ tại phường Tân Phú, quận 7, TP HCM), công nhân (CN) Công ty Thép Miền Nam. Trong khi đang sửa chữa, bảo trì thiết bị, Dũng bị máy ép thép thủy lực trọng tải 2.500 tấn nghiền gãy 2 tay và chân trái, làm dập phổi, hư mắt trái. Với tỉ lệ thương tật 78%, Dũng nói việc anh còn sống đã là một kỳ tích, chứ chưa nói gì đến việc có thể đi lại và làm việc.
Tấm gương cho con
Tỉnh dậy sau tai nạn lao động (TNLĐ), tinh thần Dũng hoàn toàn suy sụp. Phải mất 3 năm điều trị tại bệnh viện, vết thương của anh mới tạm ổn.
"Năm đầu tiên, tôi phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để ráp nối xương các bộ phận và nằm liệt một chỗ với vô số thiết bị cố định trong người. Đau đớn về thể xác không thể kể xiết nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng được. Chỉ khi bác sĩ thông báo một bên mắt bị hư, tôi mới thực sự sốc bởi điều đó đồng nghĩa tôi không còn khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho vợ con" - Dũng nhớ lại.
Nhìn cậu con trai mới 18 tháng tuổi của mình, trách nhiệm của người cha trong Dũng trỗi dậy. Do vậy, anh quyết tâm bằng mọi giá phải đứng trên chính đôi chân của mình để cùng vợ chăm sóc và nuôi dạy con nên người.
Với suy nghĩ tích cực ấy, hằng ngày, Dũng cắn răng chịu đau tập vật lý trị liệu. Anh nỗ lực tập đến nỗi, có lần thanh kim loại cố định xương bên trong bả vai thò ra ngoài mà không hề hay biết. Phần thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi ấy là Dũng có thể đi lại bình thường và được xuất viện.
Từ chỗ không thể đi lại, nay anh Nguyễn Hữu Dũng đã có thể chạy xe máy đi làm mỗi ngày
Về nhà, Dũng bắt đầu tập đi xe máy và nhận công việc phụ bán tạp hóa ở chợ với mong muốn san sẻ khó khăn với vợ. Do vết thương vẫn còn đau nhức nên thời gian làm việc của anh không đều, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Dù vậy, Dũng rất vui và tự hào vì có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và san sẻ phần nào gánh nặng chi tiêu với vợ.
"Dù sức khỏe không còn như trước nhưng tôi quyết tâm làm việc để lo cho con một cuộc sống no đủ. Tôi muốn trở thành tấm gương cho con về nghị lực sống và không đầu hàng trước số phận" - Dũng bộc bạch.
Nỗ lực không mệt mỏi
Trong lần gặp gỡ mới đây, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước tinh thần lạc quan và nghị lực sống của ông Trần Hữu Quân (SN 1964; ngụ tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM), dù sức khỏe còn yếu và trải qua nhiều biến cố.
Năm 1994, ông Quân là thợ điện cơ của Nhà máy Hợp kim sắt Nhà Bè (nay là Nhà máy Luyện thép Tân Thuận). Một lần, khi đang sửa cần trục trên cao, ông cùng 3 đồng nghiệp bị điện giật rơi xuống đất.
Vụ tai nạn khiến 1 người chết tại chỗ, 2 người may mắn thoát nạn, trong đó có ông Quân. Thế nhưng, ông bị xẹp đĩa đệm, vẹo cột sống lưng - thắt lưng, liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng, loét vùng cùng - cụt. Trải qua 5 năm điều trị tại các bệnh viện, ông trở về nhà trên chiếc xe lăn với tỉ lệ thương tật là 85%.
Đang là trụ cột kinh tế của gia đình, nay bỗng chốc thành người tàn phế, cánh cửa tương lai trước mắt ông Quân như đóng sầm lại. Không muốn để vợ con phải lo lắng, ông tự động viên mình phải sống thật lạc quan. Thời gian sau đó, dù kinh tế gia đình chỉ dựa vào khoản trợ cấp TNLĐ ít ỏi (2,8 triệu đồng/tháng) của ông và tiền bán tạp hóa của vợ nhưng gia đình vẫn luôn hạnh phúc, vui vẻ.
Thế nhưng, số phận như trêu ngươi khi vào năm 2015, vợ ông Quân phát bệnh ung thư vú và qua đời. Khi đó, con gái ông là Trần Thị Phương Khanh vừa tốt nghiệp đại học và được một ngân hàng tuyển dụng nhưng Khanh không đi làm việc để thay mẹ chăm sóc cha.
Do di chứng của việc bị liệt lâu ngày nên ông Quân phải đối mặt với nhiều loại bệnh như cao huyết áp, khớp, suy tim, loét da, không kiểm soát được việc tiêu tiểu…Công việc chăm sóc cha của Khanh vì thế càng nặng nề.
Thương con vất vả, ông Quân cố gắng tập luyện để có thể tự chăm sóc bản thân. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, ông đã có thể tự ngồi và di chuyển từ giường lên xe lăn, tự vệ sinh cá nhân và nấu cơm khi con vắng nhà. "Mong ước lớn nhất của tôi là có sức khỏe để đỡ gánh nặng cho con, để con có thể tự do làm việc mình thích. Dù khó khăn vẫn còn nhưng tôi tin ước mơ sẽ trở thành hiện thực" - ông Quân bày tỏ.
Chung tay san sẻ nỗi đau
Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" do Báo Người Lao Động khởi xướng từ tháng 8-2018 nhằm san sẻ những mất mát về thể chất lẫn tinh thần với CN không may bị TNLĐ, có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 24-1-2019, chương trình sẽ trao 60 phần quà, mỗi phần trị giá 5 triệu đồng, cho CN bị TNLĐ tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Ngoài ra, chương trình còn tặng 10 chiếc xe đạp cho con CN.
Đến nay, chương trình đã nhận được 620 triệu đồng từ 10 mạnh thường quân và các doanh nghiệp. Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những đóng góp, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm để tiếp sức cho chương trình.
Mọi đóng góp, ủng hộ vui lòng gửi về: Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" Báo Người Lao Động hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị thụ hưởng: Báo Người Lao động.
Kỳ tới: Đứng dậy sau nỗi đau
Bình luận (0)