Sau hơn 5 tháng liên hệ với gia đình các kỹ sư đã nghỉ việc, Công ty Nidec Tosok (100% vốn Nhật Bản, KCX Tân Thuận –TPHCM) đành bỏ ý định theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường hợp đồng đào tạo. Hàng trăm ngàn USD cho chương trình đào tạo 13 kỹ sư xem như “đổ sông, đổ biển”. Nguy hại hơn, việc này có thể ảnh hưởng đến công việc đào tạo của công ty sau này.
Nhân viên khách sạn của Saigontourist dự lớp đào tạo nghiệp vụ
Vừa mất tiền vừa thêm phiền
Chương trình đào tạo này được công ty tổ chức vào năm 2005. Theo đó, công ty sẽ đưa 30 kỹ sư hiện đang làm việc tốt tại công ty sang tu nghiệp ở Nhật Bản. Các kỹ sư này học chuyên ngành đồ họa kỹ thuật linh kiện cơ động học của xe hơi. Tùy vào trình độ của mỗi người mà đào tạo từ 2 năm đến 3 năm với chi phí bình quân mỗi người là 2.000 USD/tháng. Trước khi sang Nhật, những kỹ sư trên đã ký cam kết với công ty là sau khi được đào tạo sẽ về phục vụ cho công ty ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, sau khi về nước, những kỹ sư này làm việc được khoảng một năm thì có 13 người nộp đơn xin nghỉ việc không ăn lương với lý do: nhà neo đơn, phải về quê chăm sóc bố mẹ. Qua xác minh, công ty phát hiện những kỹ sư trên không về quê mà xin việc ở công ty khác nên đã kiện họ ra TAND TPHCM.
Tòa đã tuyên những kỹ sư trên phải bồi thường chi phí đào tạo cho thời gian cam kết làm việc còn lại với công ty. Tuy nhiên, việc bồi thường này không thực hiện được. Công ty quá mệt mỏi nên cũng không mặn mòi gì đến việc đeo đuổi thi hành án. Ông Đào Thanh Quyết, Giám đốc Hành chính – Nhân sự Công ty Nidec Tosok, cho biết: “Nhà đầu tư rất bức xúc. Việc người lao động (NLĐ) hành xử như thế ảnh hưởng đến việc chăm lo, nâng cao trình độ tay nghề cho những NLĐ còn ở lại làm việc tại doanh nghiệp (DN). DN bị mất lòng tin nên sẽ không quan tâm đầu tư cho việc đào tạo nữa”.
Thiệt đơn, thiệt kép
Ông Nguyễn Văn Nam, phó giám đốc một DN in ở quận 11-TPHCM, kể: “Công ty nhập máy in công nghệ của Đức về, đồng thời đưa thợ máy đi học cách sử dụng, bảo trì. Công ty đã tiếp thị công nghệ mới với khách hàng và đã có đơn hàng. Hoạt động chưa được bao lâu, thợ máy này bị một công ty cạnh tranh lôi kéo nên nghỉ việc. Không bảo đảm đơn hàng cho khách, uy tín của công ty bị giảm sút nặng nề”.
Nhiều DN cho rằng việc NLĐ không thực hiện cam kết sau khi được đào tạo, vấn đề hao tốn kinh phí đào tạo chỉ là thứ yếu. Tổn thất nặng nề nhất chính là kế hoạch phát triển của công ty bị gián đoạn. Ông Phạm Thái Khanh, Giám đốc Công ty Điện lạnh Tân Thái (quận 10-TPHCM), phân tích: “Khi DN có kế hoạch phát triển một mặt hàng mới hoặc nâng cấp máy móc thiết bị cũ thì sẽ cử người đi học những công nghệ mới tương ứng. Thời gian chuẩn bị cho việc này có khi phải mất một vài năm. Nếu như khi nhập máy móc về rồi mà nhân sự đưa đi đào tạo bỏ việc thì kế hoạch bị phá vỡ. Thiệt hại này không thể tính nổi bằng tiền”.
Nhìn nhận lại cách quản lý
Khi NLĐ không thực hiện cam kết về đào tạo, DN thiệt hại thì đã rõ. Nhưng, ở một góc độ khác, nhiều nhà quản lý DN lại nhìn nhận vấn đề theo phương châm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ông Hồ Văn Thọ, giám đốc tài chính một DN tại quận Tân Bình –TPHCM, cho rằng quan hệ lao động là một mối quan hệ hết sức phức tạp và uyển chuyển. Các giá trị luôn biến động trong quá trình làm việc nên hai bên phải tự điều chỉnh các quyền lợi và trách nhiệm liên quan. Chẳng hạn, sau khi đào tạo, NLĐ có tay nghề vững vàng hơn, kỹ năng cao hơn, chất lượng công việc được nâng lên... thì DN phải xem xét lại vấn đề tiền lương, bố trí công việc tương xứng để tạo động lực mới cho họ.
Tại khách sạn Majestic (TPHCM), hằng năm, kinh phí đào tạo dài hạn hơn 100 triệu đồng. Tham gia chương trình này, NLĐ phải cam kết làm việc 5 năm sau khi đào tạo. Còn các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đơn vị không yêu cầu làm cam kết. Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Majestic, bày tỏ: “Khi NLĐ bỏ chúng tôi sang nơi khác làm việc, điều quan tâm đầu tiên của tôi chính là xem lại cách quản lý của mình. Nếu môi trường làm việc tốt, thu nhập hợp lý, quan hệ hài hòa... tôi tin rằng NLĐ sẽ không dễ gì từ bỏ nơi mình từng gắn bó”.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM: Ràng buộc bằng lý, cư xử bằng tình
|
Bình luận (0)