Ngoài tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị CĐ các cấp tập trung công tác tuyên truyền, vận động, không để công nhân bị kẻ xấu lôi kéo vi phạm pháp luật.
Công văn nêu rõ: Từ ngày 1-5-2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Các tàu hộ tống có trang bị vũ trang, đặc biệt có cả tàu Quân sự bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Đây là hành động ngang ngược của phía Trung Quốc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối việc làm này và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Trong những ngày qua, rất nhiều các tổ chức hội, đoàn thể đã có các hình thức phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Lợi dụng tình hình này một số phần tử xấu đã lôi kéo, kích động công nhân (CN) tại một số địa phương tuần hành, đập phá nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, gây mất trật tự an ninh và an toàn xã hội tại địa phương, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận CN lao động, gây phương hại đến môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh trong nước, làm xấu đi hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình trong mắt bạn bè và nhân dân thế giới.
Trước tình hình trên, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương, CĐ Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khẩn trương, tập trung chỉ đạo các công đoàn trực thuộc thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Các cấp CĐ, nhất là CĐ cơ sở trong DN bằng các hình thức phù hợp, tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho đoàn viên công đoàn và CN lao động về tình hình Trung Quốc vi phạm chủ quyền nước ta, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhân rộng, phổ biến nội dung “Thư kêu gọi của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi cán bộ, đoàn viên CĐ và công nhân, lao động cả nước”. Đặc biệt, tuyên truyền vận động đoàn viên CĐ và CN lao động không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu xúi giục manh động, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế.
2. Động viên đoàn viên CĐ và CN lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng phát triển kinh tế vững mạnh, đó chính là tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng của đất nước để sẵn sàng giáng trả mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động vi phạm chủ quyền quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Phát huy vai trò của tổ CN tự quản ở các khu nhà trọ và lực lượng đoàn viên nòng cốt để chủ động nắm tình hình CN lao động từ cơ sở, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng và phối hợp để có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn, không để đoàn viên CĐ và CN lao động bị kích động, lôi kéo, có hành động manh động, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tài sản của DN. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các DN nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
4. Cán bộ CĐ, CN lao động tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động thực hiện ngay các biện pháp phù hợp để giúp đỡ người lao động (NLĐ), hỗ trợ các DN sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Đối với những CN lao động ở các DN trước mắt chưa thể tiếp tục sản xuất, chủ DN hoặc người quản lý không có mặt để điều hành, chưa được giải quyết tiền lương tháng 4/2014, các cấp CĐ chủ động đề nghị với cấp ủy Đảng chỉ đạo: Vận động chủ nhà trọ, tạm hoãn thu tiền nhà trọ; đề nghị cơ quan BHXH thực hiện trợ cấp thất nghiệp hoặc tổ chức giới thiệu việc làm cho NLĐ. Đồng thời vận động các nhà hảo tâm, các DN có các hoạt động chia sẻ khó khăn với CN lao động.
5. Cán bộ CĐ chủ động làm việc với BHXH địa phương để sao lục sổ BHXH và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho CN ở các DN bị mất sổ BHXH của NLĐ.
6. Các cấp CĐ cần phân công cán bộ trực tiếp đến cơ sở, bám sát địa bàn để chỉ đạo, nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để kịp thời xử lý tình hình cơ sở và thường xuyên báo cáo về CĐ cấp trên. Căn cứ tình hình thực tế, báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp và CĐ cấp trên trực tiếp, tổ chức cho đoàn viên CĐ và CN lao động biểu thị lòng yêu nước bằng các hình thức thiệt thực phù hợp đúng pháp luật.
7. Vận động đông đảo đoàn viên CĐ và CN lao động tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động nhằm ủng hộ, động viên, giúp đỡ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân, lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang ngày đêm ra khơi bám biển, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bình luận (0)