Mức lương tối thiểu (LTT) vùng là mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động (NLĐ) chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Như vậy, NLĐ làm việc ở khối gián tiếp hoặc cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp (DN) có mức lương được trả theo hệ số cao hơn mức LTT vùng thì có phải điều chỉnh?
Vấn đề này được bà Nguyễn Võ Minh Thư, quyền Trưởng Phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, nêu ra tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 103/CP về LTT vùng trong DN năm 2013 tổ chức mới đây ở TPHCM.
Mức lương tối thiểu của công nhân Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân - TPHCM)
sau khi điều chỉnh là 2.515.000 đồng. Ảnh: VĨNH TÙNG
Không cắt giảm phụ cấp
Câu hỏi trên được ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trả lời: “Chính phủ khuyến khích các DN trả LTT cao hơn quy định. Tất cả DN phải điều chỉnh theo quy định và không được cắt, giảm các khoản phụ cấp trước đó của NLĐ”.
Ông Huân cũng cho biết việc điều chỉnh LTT lần này nhằm bảo đảm một bước quyền lợi của NLĐ. Đối tượng áp dụng là NLĐ làm việc trong các công ty, DN, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có thuê mướn lao động. Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích các DN thỏa thuận áp dụng mức LTT cao hơn quy định để làm căn cứ thực hiện chế độ đối với NLĐ.
Liên quan đến thắc mắc về địa bàn áp dụng, ông Huân giải thích: Địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời thực hiện theo quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách. Trường hợp địa bàn được thành lập mới từ các địa bàn có LTT khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức LTT cao nhất. Trường hợp thành lập TP trực thuộc tỉnh từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng LTT đối với địa bàn thuộc vùng III.
Ngoài ra, DN hoạt động trên các địa bàn liền nhau có LTT khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức cao nhất; DN có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, thực hiện mức LTT theo địa bàn đó.
Tương tự, các KCN, KCX nằm trên các địa bàn có LTT khác nhau thì DN hoạt động trong KCN, KCX đó thực hiện mức LTT theo địa bàn có mức LTT cao nhất. Trường hợp trong KCN, KCX có các phân khu nằm trên các địa bàn có LTT khác nhau thì DN hoạt động trong các phân khu nằm trên địa bàn nào, thực hiện mức LTT theo địa bàn đó.
Giám sát chặt việc điều chỉnh lương
Theo Bộ LĐ-TB-XH, các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN theo quy định của pháp luật.
Để việc điều chỉnh lương không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ trên địa bàn TPHCM, LĐLĐ TP đã có văn bản đề nghị Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở thực hiện nghiêm việc giám sát điều chỉnh lương. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, lưu ý các CĐ cấp trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý lao động cùng cấp tiến hành tập huấn cho CĐ cơ sở về nội dung, phương pháp điều chỉnh LTT để có sự thống nhất trong việc điều chỉnh lương.
Trong quá trình điều chỉnh lương, cần xem xét đến tay nghề của NLĐ để có mức điều chỉnh hợp lý giữa người mới được tuyển dụng với người đã có thâm niên làm việc; bảo đảm công bằng, hợp lý.
Sau khi CĐ cơ sở đã thống nhất với DN về mức điều chỉnh LTT thì công khai cho NLĐ biết và phối hợp với DN điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp; tổ chức giám sát việc điều chỉnh lương cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác của DN, không để xảy ra tình trạng DN thực hiện không đúng, không đầy đủ.
Ở những DN có đông công nhân thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn CĐ cơ sở trong quá trình điều chỉnh LTT cho phù hợp, không để xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể.
Lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-1-2013
Vùng I: 2.350.000 đồng
Vùng II: 2.100.000 đồng
Vùng III: là 1.800.000 đồng
Vùng IV: 1.650.000 đồng |
Bình luận (0)