Bộ LĐ-TB-XH cho biết Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đưa thực tập sinh sang quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của người lao động (NLĐ) vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, hiện số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là khoảng 260.000 người, đứng thứ ba trong số các nước có nhiều công dân cư trú tại Nhật. Tính theo tư cách cư trú thì số thực tập sinh và lưu học sinh tăng nhanh. So với năm 2010 thì số lưu học sinh tăng 14 lần và thực tập sinh tăng 16 lần. Từ năm 2016, Việt Nam cũng trờ thành quốc gia có số lượng thực tập sinh kỹ năng đứng đầu tại Nhật Bản.
Dù vậy, tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao. Theo các chuyên gia lao động, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do vấn đề tiền lương. NLĐ bỏ trốn với hi vọng tìm được nơi làm việc lương cao hơn, bên cạnh đó là gánh nặng về mức phí khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Để được sang Nhật làm việc, NLĐ phải bỏ ra số tiền lớn. Hầu như NLĐ không tự túc được chi phí này mà phải vay ngân hàng hoặc vay lãi bên ngoài.
Để giảm gánh nặng tài chính dẫn đến bỏ hợp đồng, Bộ LĐ-TB-XH thông báo cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa thực tập sinh sang Nhật Bản thu tiền đặt cọc của thực tập sinh sẽ phải trả lại. Từ tháng 11-2017, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) thì các doanh nghiệp không được phép thu tiền đặt cọc.
Bình luận (0)