Như Báo NLĐ đã liên tục thông tin, sau hàng loạt kiến nghị của các địa phương về sự bất cập của Quyết định 30 về hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc ở doanh nghiệp (DN) khó khăn do suy giảm kinh tế, đến nay, Bộ LĐ-TB-XH mới “chuẩn bị” tổ chức khảo sát tình hình để có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi. Chưa biết đến bao giờ cuộc khảo sát mới được tiến hành và có kết quả, trong khi các địa phương tiếp tục “kêu” và vạch ra những bất hợp lý của một quyết định rất hợp tình!
|
Làm ngược quy trình
Việc hàng loạt chủ DN bỏ trốn, hàng vạn lao động bị nợ lương, mất chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc, mấy chục ngàn lao động khác bị mất việc, giảm lương... đã xảy ra từ năm 2008. LĐLĐ và sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành nắm rất sát tình hình này và có báo cáo lên UBND tỉnh. Cụ thể như tại TPHCM, trong thời gian qua, danh sách các DN bỏ trốn, tình hình nợ lương và các chế độ của NLĐ, việc sắp xếp việc làm cho NLĐ ở các DN đã được Sở LĐ-TB-XH, LĐLĐ TPHCM báo cáo đều đặn lên UBND TPHCM và được các cơ quan thông tin đại chúng liên tục truyền tải.
Thế nhưng khi tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định 30, Bộ LĐ-TB-XH đã phớt lờ thực tế này và chỉ tập trung vào DN khó khăn trong năm 2009, trong khi số cần được hỗ trợ nhất lại rơi vào năm 2008. Thay vì khảo sát thực tế rồi tham mưu cho Thủ tướng thì Bộ LĐ-TB-XH lại làm ngược quy trình: Đề xuất ra quyết định xong, mãi đến khi thấy không thực hiện được, cơ sở “kêu” quá mới khảo sát tình hình thực tế.
Người biết lại không được hỏi...
Có thể nói TPHCM là nơi có nhiều chủ DN bỏ trốn, DN khó khăn phải giải thể, thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động đông nhất nước. Ngay từ khi xảy ra vụ việc, CĐ cơ sở và quận, huyện đã báo cáo ngay với Thường trực LĐLĐ TP, xin ý kiến chỉ đạo. Một mặt tham gia ổn định tình hình, bảo vệ tài sản DN không cho tẩu tán, các cấp CĐ đã lập danh sách công nhân (CN) mất việc báo cáo lên LĐLĐ TP; lo chỗ ăn, ở cho CN; lo tìm kiếm việc làm mới cho CN, lo thủ tục khởi kiện yêu cầu phá sản DN để đòi quyền lợi cho NLĐ...
Cán bộ chuyên trách CĐ ở các địa phương có chủ DN bỏ trốn như các quận 8, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn... không người nào không nắm chắc tình hình NLĐ và DN. Không hề quá đáng khi nói rằng thậm chí, lúc nửa đêm, nếu có việc đột xuất cần đến số liệu DN và NLĐ khó khăn, cứ gọi cán bộ CĐ quận, huyện, là sẽ có ngay.
Nếu như tổ chức CĐ được tham gia ý kiến khi xây dựng chính sách theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động và Luật CĐ, chắc chắn sẽ không có sự chuệch choạc như thế. Mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã bàn bạc với Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng về việc lập đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế và kiến nghị sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc cho Quyết định 30. Việc này cần phải làm gấp chứ không thể “ầu ơ, ví dầu” vì thời gian thực hiện quyết định chỉ gói gọn trong năm 2009!
UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện Quyết định 30
|
Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Hiểu người lao động nhất là cán bộ CĐ
|
Bình luận (0)